Chuỗi hợp động giới thiệu nhiều nét văn hóa đặc sắc của các làng nghề Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Tiêu biểu là hoạt động trưng bày, giới thiệu nghề gốm truyền thống tại đình Kim Ngân - 42, 44 phố Hàng Bạc. Trưng bày giới thiệu tới công chúng một số sản phẩm gốm tiêu biểu của làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng nghề gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), và xưởng gốm Chi (Hà Nội).
Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan cho biết, thông qua trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm gốm tiêu biểu của các làng nghề Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh) và xưởng gốm Chi, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội mong muốn giới thiệu, tôn vinh nghề gốm truyền thống của cha ông với đa dạng các sản phẩm gốm từ truyền thống tới hiện đại. Qua đó thể hiện dòng chảy sáng tạo trên các sản phẩm từ bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân.
Cùng với hoạt động trưng bày, giới thiệu nghề gốm, tại Trung tâm thông tin Di sản Phố cổ Hà Nội – 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm cũng diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu làng nghề đan lát Vinh Ba (huyện tỉnh Phú Yên) – một nét đẹp di sản, một điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Phú Yên. Đồng thời giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch giữa tỉnh Phú Yên và thành phố Hà Nội.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn, tại đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm còn có hoạt động thiệu sản phẩm nghề sơn mài truyền thống với chủ đề: “Tinh hoa sơn mài Việt”. Bên cạnh đó, du khách sẽ được trải nghiệm tự tay “cẩn trứng” – là một trong những khâu trong quy trình làm sơn mài. Chuỗi các hoạt động được tổ chức với mục đích bảo tồn các giá trị nghề truyền thống có sự kết nối giữa phố nghề gắn với làng nghề, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Chương trình diễn ra từ nay đến hết ngày 31-5.