Dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội khóa IX, khóa X; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khóa 16.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, đồng chí Vương Đình Huệ đã ôn lại quá trình hình thành, phát triển của Quốc hội nước ta, từ khi Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) ngày 16-8-1945 đến ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946. Đồng chí khẳng định, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử phát triển thể chế chính trị ở nước ta. Thắng lợi của Tổng tuyển cử là cơ sở để xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Tiếp đó, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã có vai trò to lớn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, đại diện cho tiếng nói của nhân dân, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng để cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Trong thời kỳ đổi mới, Quốc hội đã tập trung trí tuệ để đẩy mạnh, đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Công tác lập pháp được cải tiến về phương pháp thực hiện, chất lượng được nâng cao, số lượng các bộ luật được thông qua bảo đảm thực hiện định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đóng góp tích cực vào thành công của công cuộc đổi mới.
Trong hoạt động của Quốc hội có đóng góp không nhỏ của các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Trải qua 14 nhiệm kỳ, TP Hà Nội có hơn 400 đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân Thủ đô. Nhiều đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội đã giữ các vị trí quan trọng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Các vị đại biểu Quốc hội TP Hà Nội dù ở cương vị nào đều làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của người đại biểu trước cử tri. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã triển khai thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức hội nghị và lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật, bộ luật; tổ chức gần 400 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ, chuyên đề; tổ chức 12 đoàn giám sát, khảo sát chuyên đề; gần 200 lượt phát biểu ý kiến và chất vấn...
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, đồng chí Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp quý báu và trách nhiệm của các thế hệ đại biểu Quốc hội đối với TP Hà Nội; đồng thời, bày tỏ mong muốn các thế hệ đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục chung tay xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, xây dựng Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; trước mắt là tiến hành thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của thành phố.
Tại buổi gặp mặt, một số đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội qua các thời kỳ đã chia sẻ những kỷ niệm công tác, bày tỏ niềm tin, kỳ vọng vào sự đổi mới, phát triển của Quốc hội nước ta cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trong thời gian tới.