Hà Nội gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với các nhiệm vụ chính trị

Sáng 12/7, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp của thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện Quy chế dân chủ theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra, gắn với chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Các địa phương đã tổ chức 8 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát 1,3 triệu tài liệu pháp luật cho nhân dân để tuyên truyền các văn bản pháp luật mới liên quan đến dân chủ, dân sinh. Lãnh đạo thành phố đã tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, thanh niên và công nhân lao động. Đối với cấp huyện đã tổ chức 41 hội nghị đối thoại đột xuất, 4 hội nghị đối thoại định kỳ; cấp xã tổ chức được 87 hội nghị đối thoại định kỳ và 261 hội nghị đối thoại đột xuất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và cấp xã tổ chức giám sát 301 cuộc về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 2.563 cuộc giám sát, phát hiện 167 vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý 162 vụ; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.360 vụ, phát hiện và kiến nghị các cơ quan xử lý 42 vụ. Các cơ sở trên địa bàn thành phố đã tiến hành hòa giải thành công 1.402 vụ việc (đạt 74,25%).

Đánh giá cao những kết quả này, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền các văn bản của Trung ương, thành phố về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; gắn công tác này với thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân để qua đó phát huy dân chủ gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.