Tại buổi toạ đàm, đại diện Hội Kiến trúc sư Hà Nội khẳng định, việc lập quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành là vấn đề không mới trong hoạt động quy hoạch, kiến trúc của Hà Nội, cũng như cả nước. Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch 2017 ra đời, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, việc cập nhật vấn đề này theo quan điểm mới một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá lại các quy hoạch đô thị đã và đang làm trước đây còn chưa đầy đủ. Các đại biểu đã làm rõ thực trạng công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội và cả nước; nêu những cơ sở để đổi mới công tác quy hoạch đô thị; các vấn đề cần đổi mới theo hướng tích hợp đa ngành và một số kinh nghiệm đổi mới trong công tác lập quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành.
Kiến trúc sư Bùi Xuân Tùng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, hệ thống quy hoạch trước năm 2017 còn mang tính phân lập, đơn ngành, thiếu sự lồng ghép khách quan các loại quy hoạch, gây lãng phí, thiếu tính khả thi và thiếu hiệu quả. Hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch 2017 mang tính tổng hợp đa ngành, là tiền đề để lồng ghép, phối hợp các loại hình quy hoạch, tạo điều kiện để đổi mới thể chế quy hoạch đô thị và nông thôn dựa trên các quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch ngành, qua đó đạt mục tiêu phát triển đô thị cân đối, hài hòa, hiệu quả, bền vững.
Các đại biểu thống nhất, để đổi mới công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành, cần phải lập cơ sở dữ liệu đa ngành, gồm kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, tài nguyên, môi trường... của từng địa phương, đơn vị để người làm quy hoạch khai thác; ứng dụng công nghệ hiện đại; tổ chức lấy ý kiến quy hoạch đô thị trong cộng đồng; tham khảo các đô thị trên thế giới; nâng cao trình độ người làm công tác quy hoạch... Đặc biệt, việc đổi mới trong công tác quy hoạch đô thị theo hướng tích hợp đa ngành ở Thủ đô phải quan tâm đến yếu tố văn hiến, khai thác những tinh hoa văn hóa cha ông đưa vào quy hoạch kiến trúc.