Hà Nội đi đầu triển khai Đề án 06

Hà Nội là địa phương được Tổ Công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ lựa chọn làm điểm. Sau hai năm, những tiện ích của Đề án 06 đã tạo nhiều thay đổi tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: LINH NGUYỄN )
Cán bộ phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: LINH NGUYỄN )

Thời gian qua đã có tình trạng người dân phải xếp hàng, chờ đợi nhiều giờ tại Sở Tư pháp để làm thủ tục lý lịch tư pháp gây tốn kém, lãng phí và tạo bức xúc trong dư luận. Để khắc phục, hiện tại, Bộ Công an đã làm việc với Bộ Tư pháp, Thành phố Hà Nội cung cấp các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, hướng dẫn triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Sở Tư pháp đang xây dựng kế hoạch triển khai và có biện pháp hạn chế người dân phải đến trực tiếp làm thủ tục, tiến tới thực hiện toàn bộ dịch vụ công trực tuyến. Việc cấp lý lịch tư pháp trên VNeID sẽ giúp người dân không phải đi lại xin nhiều giấy tờ, góp phần tạo văn minh xã hội, phòng chống tham nhũng vặt.

Đây là một trong số nhiều nội dung trọng tâm của Đề án 06 mà Thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp các bộ, ban, ngành triển khai. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, thành phố đã tiếp nhận 85.675 hồ sơ liên thông khai sinh và 5.031 hồ sơ liên thông khai tử. Tỷ lệ thực hiện hồ sơ trực tuyến khai sinh đạt 99% và khai tử đạt 25,6%.

Về nhiệm vụ xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, đến ngày 13/3/2024, Hà Nội đã thiết lập 8,1 triệu hồ sơ sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố; khởi tạo dữ liệu của 7,7 triệu người dân (từ 5 tuổi trở lên) với khoảng 20 triệu mũi tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố. Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh của người dân từ năm 2021 đến nay. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã điều chỉnh phần mềm để tiếp nhận dữ liệu từ các cơ sở khám, chữa bệnh. Đến ngày 13/3/2024, đã kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa và 286 trạm y tế để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VNeID với 1.155.824 hồ sơ.

Đối với công tác thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, hiện Hà Nội có 1.620 bãi đỗ xe được quy hoạch, đã có 57 bãi đỗ xe được đưa vào khai thác, sử dụng và 639 điểm đỗ xe với tổng diện tích lên tới hàng trăm nghìn mét vuông. Từ ngày 9/2/2024, Hà Nội đã thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe trên tại phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ). Kết quả ghi nhận khá tích cực với tỷ lệ thu không dùng tiền mặt đối với xe máy là 50% và xe ô-tô là 70% tại các điểm. Trước ngày 30/3/2024, Sở Giao thông vận tải sẽ xây dựng xong kế hoạch tổng thể triển khai toàn thành phố. Sau đó, thành phố sẽ thí điểm tại các điểm đỗ của Công ty TNHH Một thành viên khai thác điểm đỗ thành phố để rút kinh nghiệm, nhân rộng toàn thành phố, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/5/2024.

Về tiến độ thí điểm học bạ số ở Hà Nội, đến nay tất cả các trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; toàn bộ thông tin học sinh tiểu học đã được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo xác thực định danh với dữ liệu dân cư. 100% số trường tiểu học đã trang bị chữ ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử; hơn 60% số giáo viên, nhân viên đã được trang bị chữ ký số cá nhân. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp chặt chẽ để Hà Nội hoàn thành thí điểm triển khai học bạ số xong trong tháng 6/2024.

Có thể thấy, khối lượng triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn Thủ đô là rất lớn. Thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, số hóa dữ liệu đất đai. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực triển khai đồng bộ, thành phố cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp, hướng dẫn thành phố. Thứ trưởng Công an Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, Hà Nội cần thường xuyên đôn đốc, thành lập các tổ công tác trực tiếp khảo sát tại cấp cơ sở, xác định bao nhiêu người dân đã được hưởng tiện ích, đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả, để từ đó xác định biện pháp, cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả.