Hà Nội đề ra 2 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2025

Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP Hà Nội”.

Sản xuất ở Công ty cổ phần công nghệ cao Thái Minh tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.
Sản xuất ở Công ty cổ phần công nghệ cao Thái Minh tại Cụm công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai.

Đây là nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng nhằm định hướng về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trong 5 năm tới trong bối cảnh chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19. 

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản đồng tình với hai kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025, gồm: Kịch bản cơ sở là phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 7,5% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17; kịch bản 2 là phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 6,5-7%, đã bám sát thực tiễn và khả năng diễn biến của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để phương án tăng trưởng GRDP được tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng kịch bản thu, chi ngân sách gắn với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế để chủ động bố trí nguồn kinh phí bảo đảm an sinh xã hội (đặc biệt là nguồn lực phòng, chống dịch bệnh) và nguồn vốn để phục hồi, phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Để thực hiện tốt Kế hoạch này, Thành ủy Hà Nộiyêu cầu ưu tiên tập trung phòng, chống dịch Covid-19 để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; đồng thời, căn cứ tình hình kiểm soát dịch bệnh để có giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh vấn đề hoàn thiện thể chế như bổ sung Luật Thủ đô, sửa đổi quy hoạch chung, Thành ủy chỉ đạo tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền...), bệnh viện, trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; quyết liệt giải quyết các vấn đề bức xúc như đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy hoạch; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung các nguồn lực đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như Vành đai 4, Vành đai 2,5, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 6, tuyến đường kết nối đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long - đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, một số cầu qua sông Hồng, các tuyến đường, cầu kết nối vùng...

Đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố yêu cầu rà soát tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với các Nghị quyết của Quốc hội về tài chính, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của quốc gia; khả năng cân đối ngân sách thời kỳ ổn định 2022-2025 (lưu ý kịch bản thu, chi ngân sách gắn với hai kịch bản tăng trưởng kinh tế); đồng thời, đánh giá tính khả thi của các nguồn vốn từ các nguồn thu theo cơ chế đặc thù; quan tâm hỗ trợ đầu tư 5 huyện phát triển lên quận vào năm 2025.