Gần 50 “ông đồ” với trang phục truyền thống áo the, khăn xếp- thành viên của các nhóm thư pháp nổi tiếng tại Hà Nội như nhóm “Nhị thập bát tú”, CLB Thư pháp UNESCO, nhóm thư pháp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… cùng tụ về Văn Miếu, sẵn bút, nghiên để thảo những câu đối Tết, lời chúc đầu xuân…bằng các kiểu chữ khác nhau như Hành, Chân, Triện, Lệ… trên các chất liệu như giấy, gỗ, tre, trúc… theo yêu cầu của du khách.
Theo ông Phạm Đức Hân, Giám đốc công ty CP Bảo tồn di sản văn hoá Việt, ý tưởng lập “Phố ông đồ” không hẳn là mới, mà là mô hình đã được tổ chức thành công tại Tp Hồ Chí Minh, nhưng tại Hà Nội, đây là lần đầu tiên. Việc lập “Phố ông đồ” sẽ góp phần đưa hoạt động xin- cho chữ đầu xuân của người Hà Nội thành một nét văn hoá đậm đà, đặc sắc hơn, khắc phục tình trạng tự phát, lộn xộn, như mọi năm. Nếu được tổ chức định kỳ, “Phố ông đồ” sẽ trở thành một địa chỉ văn hoá độc đáo của thủ đô mỗi dịp xuân về, Tết đến.
Nhà thư pháp Trần Đình Cường khai bút.
Bên nghiên mực, bút lông, nhà thư pháp Trần Đình Cường (CLB Thư pháp UNESCO)- người đã từng viết tặng chữ Phúc cho tỷ phú người Mỹ B. Gates trong lần ông đến thăm Việt Nam, bày tỏ sự bằng lòng: “năm nào tôi cũng tham gia cho chữ ở Văn Miếu, nhưng tổ chức được như năm nay là đàng hoàng nhất. Người cho và người nhận chữ cũng thấy trân trọng hơn. Đấy là chúng ta chưa có điều kiện, chứ ngày xưa, trước khi cho chữ còn phải có lễ vật kính bái tổ tiên, người cho chữ ngồi viết bên đỉnh trầm thơm ngát. Cho chữ không phải chỉ là một hoạt động đơn thuần, mà đó còn là sự giao lưu giữa người cho và người nhận. Thường thì mọi người hay xin chữ Phúc, Lộc, Tâm, Hưng… nhưng nếu gặp được những người hiểu sâu về chữ thánh hiền, người cho chữ cảm thấy được chia sẻ, vui mừng lắm”.
Quang cảnh Phố ông đồ.
Ngay trong buổi khai mạc, vẫn tiếp tục có một số nhà thư pháp nghe tin, tìm đến xin đăng ký cho chữ. Ban tổ chức luôn có những nhà thư pháp am hiểu, đánh giá trình độ từng người và sắp xếp vị trí cho các ông, bà đồ tâm huyết, nhiệt tình. “Phố ông đồ” cũng trở thành nơi quy tụ một số nhà nghiên cứu Hán học tìm lại chút xúc cảm bên giấy đỏ, mực tàu. Nhiều người tự nguyện đứng hàng giờ say sưa giảng cho các bạn trẻ đến xin chữ ý nghĩa sâu xa được gửi gắm qua từng con chữ bay bướm trên giấy dó.
Ông đồ trẻ cho chữ.
Chữ được viết rồi, từng tốp bạn trẻ, người trung niên… lại cầm trên tay những vuông giấy điệp, giấy dó vàng, đỏ… tìm nơi nắng ấm để… phơi chữ, chừng đến khi mực khô mới có thể cuốn lại mang về.
Phút chốc, khúc phố Văn Miếu như trở về với một thời đã từng vang bóng của “những người muôn năm cũ”. Nắng xuân như tươi hơn, thắm hơn, nhảy nhót, lung linh, làm hồng thêm những khuôn mặt người giữa giấy bay, chữ múa.
Phơi chữ.
“Phố ông đồ” sẽ cùng đón xuân với người Hà Nội đến hết ngày 10 tháng giêng Kỷ Sửu.