Điểm tên lại, ta thấy có: Cửa ô Yên Phụ (đã có tên cũ là ô Yên Hoa), ô Bà Móc (chỗ ga Long Biên), ô Trừng Thanh nơi đầu cầu Chương Dương, ô Hàng Mắm, ô Quan Chưởng tức ô Ðồng Hà, ô Tây Long, gần Nhà hát lớn thành phố, ô Ðống Mác (hay ô Ông Mạc), ô Cầu Dền, xuôi một chút là ô Trung Hiền, ô Ðồng Lầm nay là ngã tư Ðại Cồ Việt, ô Chợ Dừa, ô Cầu Giấy tức ô Tây Dương, nơi hai tên xâm lược Pháp phải đền tội cuối thế kỷ 19 lùi sâu vào nội thành có ô Thanh Bảo, v.v. Hình ảnh xưa cũ đã mờ nhạt theo thời gian bão bùng mưa nắng, thế hệ sinh sau không nhớ rõ. Một nguyên nhân rất cụ thể là vài chục năm nay, Hà Nội có một bước nhảy vọt phi thường trong đổi mới làm cho cảnh cũ người xưa nhiều phần thay đổi. Nhiều cửa ô một thời là con đường thiên lý dẫn đến bốn trấn (lộ) xa xôi, đã thành con đường nội thị, ranh giới không còn chia biệt và cũng chưa được cắm mốc nên càng ít người biết từng có một Hà Nội xinh xinh nhỏ hẹp thế nào, mà chỉ biết trước mắt mình là một Hà Nội to rộng, vươn dài và mỗi ngày càng vươn dài thêm.
Những tứ trấn đó đã gần ven nội, xứ Ðông gồm Hồng Châu Thượng và Hồng Châu Hạ tức vùng Hải Dương, Hải Phòng, xứ Nam với Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ với Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Xứ Ðoài với Hà Ðông, Sơn Tây, Hưng Hóa, xứ Bắc với Kinh Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang... mà nay Hà Nội nối thông một mạch bằng những con đường mới mở như Láng - Hòa Lạc, đường Năm mở rộng, đường Cầu Giẽ, Pháp Vân, đường vành đai Ba, đường số 1 lên Lạng Sơn, v.v. Có người nói vui: Cứ bừng tỉnh giấc mỗi ngày, lại thấy Hà Nội đổi thay khác lạ. Hàng loạt khu đô thị mới, các chung cư, các nhà cao tầng, trên vài chục tầng và đang chờ đón những khối nhà từ ba đến hơn bốn chục tầng...
Chúng ta vui thêm vì có thêm diện tích nhà ở cho Hà Nội, nhưng đó không phải là niềm tự hào của người Hà Nội vì chiều cao đó so với thế giới chưa thấm gì. Chúng ta tự hào vì có một Hà Nội mang hồn xưa gọi là Khu phố cổ. Ở đấy là cốt cách và tâm hồn nghìn năm đọng lại, mà năm 1954 chúng ta đã giải phóng nguyên vẹn từng ngôi nhà và từng con người thanh lịch hào hoa và yêu nước.
Những ngày mùa thu 52 năm trước, có hôm hửng nắng hanh vàng, có lúc mưa giăng sùi sụt, xe sơn trắng của Ủy ban quốc tế giám sát đình chiến đi lại như mắc cửi, Hà Nội bình tĩnh và vui trào nước mắt, nhà nhà phấp phới lá cờ đỏ sao vàng phải im hơi lặng tiếng suốt chín năm, nay mở lòng như gió thu tung tỏa, thỏa ước mong và nhớ nhung cùng hy vọng. Những ngày ấy chưa có con đường Láng - Hòa Lạc, chưa có đường Trần Duy Hưng, chưa có đường Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, v.v. cũng chưa có những con sóng lừng ngập tràn xe cộ mà chỉ có người đi bộ và guồng xe đạp tất tả sớm hôm trong một Hà Nội vừa được tự do nhưng thiếu thốn trăm bề.
Trên con đường vào Hà Ðông, chỗ cống làng Mọc, quê hương nhà văn Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng, có một nhà máy cơ khí gọi là "Trung quy mô" ra đời đã là niềm vui và háo hức của một nền công nghiệp sơ khai và nhỏ bé. Trên nhiều tấm tranh cổ động, chỉ tiêu phấn đấu là mỗi năm cố gắng để có thể sản xuất được 20 vạn tấn sắt thép... Ngày nay nhìn lại mà ngạc nhiên tại sao chúng ta có thể tiến nhanh đến thế. Xí nghiệp xe lửa, xí nghiệp ô-tô mỗi năm ra lò bao nhiêu đầu máy và bao nhiêu đầu xe. Sắt thép chỉ nói riêng một doanh nghiệp tư nhân đã sản xuất vượt ước mong thuở nào, từ thép để làm ra công cụ đến thép bắc cầu, thép xây dựng nhà cửa nói như lời dạy của Bác Hồ để: "Xây dựng thủ đô ngày một to đẹp và đàng hoàng hơn".
Chuyện những mảnh vườn và khuôn ruộng tí hon là quen thuộc, không ai nghĩ rằng ngày nay đã có bao nhiêu khu vườn khu ruộng, dựng nhà bằng lưới và bằng kính để trồng rau cho nội thành có những mớ rau sạch ngon lành.
Ngày nay đi trên đại lộ rực sáng ánh đèn những con đường mới, chắc có nhiều người hồi tưởng về chợ Ðồng Xuân, người tự vệ sao vuông, dùng dao bầu phản thịt quần nhau với hàng tiểu đoàn lính lê dương viễn chinh Pháp mà giành chiến thắng dù phải xả thân cho Hà Nội. Chiến công đó đã được tạc vào lịch sử Hà Nội, bằng tấm phù điêu gò đồng ngay chợ Ðồng Xuân ngày hôm nay.
Có thể ai đó có lòng hoài cổ, có một nỗi buồn man mác khi mất đi một làng cốm Vòng, mất đi một làng Ngọc Hà, mất đi một làng rau Láng, để nhường chỗ cho những khu đô thị mới. Ðó là thời thế thế thời phải thế. Trong xu thế tiến lên, dòng thác đời luôn tuôn chảy, không thể cưỡng lại khi chúng ta cần tiến lên từng ngày để có thể sớm hội nhập với thế giới.
Hà Nội mãi mãi là hồn thiêng một Thăng Long, một Kẻ Chợ, một đô thành có băm sáu phố phường cổ kính và linh thiêng mà một Thạch Lam, một Vũ Bằng, một Nguyễn Tuân đã ghim hình ảnh đó vào những trang sách sẽ bất tử cùng Hà Nội, mà ngày 10 tháng 10 năm 1954 là một mốc son, khi sân vận động Cột Cờ nổi 21 phát đại bác chào cờ, hoàn thành công cuộc giải phóng thủ đô không một tiếng súng. Ðiều đó càng đúng với danh hiệu mà thế giới đã trao tặng thành phố Hà Nội là Thành phố vì hòa bình, một danh hiệu vẻ vang không phải thành phố nào trên thế giới cũng được trao tặng.
Ði trên đường phố Hà Nội hôm nay, ta sung sướng biết bao nhiêu khi ngắm hàng liễu mềm tơ non mới được trồng thêm quanh hồ Gươm. Thời gian sẽ dệt thành những tấm mành lơ thơ tơ liễu mai ngày. Mỗi năm một lần tháng Mười về, thật xúc động khi ôn lại lịch sử và càng thấy vinh dự được là người Hà Nội, càng thêm yêu thành phố vì hòa bình, thành phố tin yêu!