Hà Nội có 40.653 F0 điều trị tại nhà

NDO -

Toàn thành phố Hà Nội đang có 50.946 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó có 40.653 trường hợp theo dõi cách ly tại nhà.

Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng cho người dân tại nhà. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Nhân viên y tế khám sàng lọc trước tiêm chủng cho người dân tại nhà. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Số ca nhiễm tại Hà Nội liên tục đi ngang quanh mốc hơn 2.800 ca nhiễm mỗi ngày. Trong ngày 11/1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số đơn vị ghi nhận số ca mắc nhiều trong ngày như: Đống Đa (156); Thanh Xuân (141); Hoài Đức (123); Đông Anh (101); Hoàn Kiếm (75); Gia Lâm (52)…

Trong số những ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận trong ngày có 238 trường hợp được xác định bằng xét nghiệm RT-PCR, số còn lại được xác định bằng test nhanh kháng nguyên.

Tính từ ngày 15/12/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 33.184 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên tại 30 quận, huyện.

Công tác điều tra truy vết đã xác định thêm 455 trường hợp F1. Các ca bệnh và khu vực liên quan đến các bệnh nhân đều được tổ chức điều tra dịch tễ, xử lý theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong ngày không phát sinh thêm điểm phong tỏa mới, hiện toàn thành phố còn 13/1280 điểm đang phong tỏa.

Toàn thành phố có 50.946 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3079), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1330), cơ sở thu dung quận, huyện (5533), theo dõi cách ly tại nhà (40.653). Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 1 người. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 281 người.

Về công tác tiêm chủng, trong ngày 11/1, toàn thành phố tiêm được 62.276 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là 13.350.081 mũi tiêm; 222.786 mũi bổ sung và 1.147.910 mũi vaccine nhắc lại.

Kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi đã đạt được tỷ lệ 99,3% mũi 1 và 98,9% mũi 2; tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi đạt 98,7% mũi 1 và 96,9% mũi 2; trẻ từ 12-14 tuổi đạt tỷ lệ 99,5% mũi 1, 90,8% mũi 2; trẻ từ 15-17 tuổi đạt tỷ lệ 99,4% mũi 1 và 94% mũi 2.

Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện Trung ương và bộ ngành trên địa bàn đã tiêm được 1.400.323 mũi, trong đó (824.495 mũi 1; 575.828 mũi 2) tính đến hết ngày 14/12/2021.

Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.

Đề nghị hoàn tất tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi bổ sung, nhắc lại trong quý I/2022

Ngày 11/1, GS, TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Y tế đã có công điện về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Công điện của Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine và đảm bảo sử dụng vaccine nhanh chóng, hiệu quả, Bộ Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19;

Khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 01/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong quý I năm 2022;

Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.

Đồng thời quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) đảm bảo được tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương (xã/phường/thị trấn); tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn...

Tiếp tục tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19; đẩy mạnh việc sử dụng ứng dụng quản lý tiêm chủng Covid-19 và cập nhật thường xuyên số liệu về đối tượng tiêm chủng, số liều vaccine sử dụng; 

Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vaccine để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, không chờ đợi, lựa chọn vaccine, bảo đảm sử dụng vaccine hiệu quả.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan