Hà Nội chuẩn bị ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân

NDO -

Hà Nội là địa phương có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhất, có số lượng nghệ nhân được tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cao nhất cả nước. Việc xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ sẽ giúp nghệ nhân yên tâm, nhiệt tình hơn với công tác bảo tồn, giữ gìn di sản.

Biểu diễn rối nước phục vụ nhân dân tại làng rối Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Biểu diễn rối nước phục vụ nhân dân tại làng rối Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Sáng 31/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.

Hiện Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, đứng đầu cả nước về số lượng. Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội gồm nhiều loại hình phong phú, đặc sắc: lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian (ca trù, múa rối nước, rối cạn, hát chèo Tàu, trống quân), tri thức dân gian hay các phong tục, tập quán...

Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu. Riêng trong đợt phong tặng danh hiệu lần thứ ba vào năm 2022, thành phố có 71 nghệ nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu, trong đó có 11 Nghệ nhân Nhân dân, 60 Nghệ nhân Ưu tú.

Tuy nhiên, đến nay, các nghệ nhân đều chưa nhận được sự đãi ngộ thường xuyên. Trong khi đó, một số nghệ nhân cao tuổi, không có lương hưu gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Nhiều nghệ nhân đã qua đời mà chưa được hưởng chế độ đãi ngộ. Điều này ảnh hưởng đến tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và truyền dạy các giá trị di sản.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn di sản như Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội... cùng đại diện các nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đều nhất trí rằng, việc sớm xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân là hết sức cần thiết. Đây là thông lệ trên thế giới, bởi nghệ nhân là những báu vật nhân văn sống. Việc có chính sách đãi ngộ, như mức phụ cấp thường xuyên hằng tháng giúp nhiều nghệ nhân đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống, cảm thấy được động viên, khuyến khích, do đó yên tâm hơn, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Hiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được UBND TP Hà Nội giao xây dựng dự thảo về chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết thông qua. Ngoài mức hỗ trợ hằng tháng, sẽ hỗ trợ mức 2 tháng lương cơ bản cho mỗi Nghệ nhân Nhân dân/tháng, 1,5 tháng lương cơ bản cho mỗi Nghệ nhân Ưu tú/tháng,

Sở Văn hóa và Thể thao còn đề xuất việc hỗ trợ kinh phí các câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khi thành lập mới, hỗ trợ kinh phí thường niên, hỗ trợ kinh phí cho các buổi tập luyện, tặng thưởng khi đoạt giải cao tại các kỳ hội diễn, liên hoan...

Các đại biểu nhìn chung nhất trí với những đề xuất này và bày tỏ mong muốn các chế độ này sớm được thông qua và triển khai trên thực tế, qua đó, góp phần thiết thực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.