Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội được thành lập năm 1978 và hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên cho 42 người, trong đó có 4 mẹ liệt sĩ, 26 vợ liệt sĩ, 1 thương binh, 8 con liệt sĩ và 3 người có công. Ngoài ra, từ năm 1999 đến nay, trung tâm còn thực hiện điều dưỡng luân phiên hơn 50 nghìn lượt người.
Trò chuyện với người có công và cán bộ, nhân viên tại đây, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn với trên 800 nghìn người (chiếm gần 10% số lượng toàn quốc). Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây", cùng với cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn xác định công tác chăm lo thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa sâu sắc.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố đã chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở triển khai đầy đủ và kịp thời các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa"; thực hiện đúng, nghiêm túc các chính sách đối với người có công; quan tâm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công của thành phố, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tiến bộ, công bằng xã hội.
Đồng chí nêu rõ, tuy đạt kết quả nêu trên, nhưng đối với những người có công, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở cần tiếp tục quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa; thực hiện hiệu quả chủ trương mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 đã đề ra, coi đây là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác của Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Giám đốc cùng toàn thể người lao động đơn vị tiếp tục nỗ lực phấn đấu, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý, chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với cách mạng như ruột thịt của mình. Đây là tình cảm, bổn phận của người đi sau nhằm bù đắp phần nào những tổn thất, mất mát của người đi trước.