Triển lãm do Trung tâm tư liệu ảnh lịch sử "Xưa & Nay" của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp Trung tâm Thông tin – Văn hóa Hồ Gươm phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc "trận chiến 60 ngày đêm của Thủ đô huyết lệ" (17-2-1947 - 17-2-2017).
Phố Lò Rèn sau trận chiến. Ảnh: Nguyễn Duy Kiên.
Triển lãm cung cấp gần 200 bức ảnh tư liệu quý của ba tác giả nổi tiếng của Hà thành trước Cách mạng Tháng Tám 1945: Trần Đình Nhung (1905-1952), Trần Văn Vẽ (1930-1988) và Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) ghi lại hình ảnh Hà Nội trong thời gian trải qua trận chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946 đầu năm 1947, được đặt bên cạnh những bức ảnh ghi lại chính những con phố đó vào thời điểm hiện tại với xe máy, hàng quán, nhà cao tầng, kính và bê tông… Những bức ảnh tư liệu kể trên đã được gia đình ba nhiếp ảnh gia cung cấp cho triển lãm.
Ngã ba Bát Sứ - Bát Đàn. Ảnh: Nguyễn Duy Kiên.
Các con phố Hàng Thiếc, Hàng Gai, Tô Tịch, Hàng Chiếu, khu vực Văn Miếu, góc phố Hàng Gai – Hàng Đào, ngã ba Bát Sứ - Bát Đàn, phố Trần Nhật Duật, phố Hàng Da, Hàng Giấy…, tất đều chung một khung cảnh đổ nát với những núi gạch vụn chồng chất, những bức tường nham nhở chĩa lên trời xanh, những căn nhà cổ đổ nát đôi chỗ vẫn còn nguyên họa tiết trang trí cổ… Góc này là Trường "Ke" (Quai) còn có tên là Jean Dupuis, nay là trường Trần Nhật Duật nơi diễn ra những trận đánh ác liệt vào cuối năm 1946 với mái bung chỉ còn trơ khung, cửa sổ tan nát, tường thủng lỗ chỗ vết đạn bắn…, chỗ kia là tòa nhà Thương Bạc nơi thu thuế đầu cửa Ô Quan Chưởng (góc Hàng Chiếu) sạt một mảng tường lớn trên tầng 2, các ô cửa cũng tan tành, gạch vữa rơi đầy bậc lên xuống và tràn cả ra vỉa hè… Ngã ba Bát Sứ - Bát Đàn, những ngôi nhà trơ trọi mảng tường nham nhở, cả góc phố là đống gạch vụn bên những gì còn lại của những bức tường đổ nát và ám khói đen sẫm. Phố Lò Rèn bị máy bay Pháp ném bom trong trận chiến Đồng Xuân, chỉ còn lại những đống gạch lớn nối nhau bên những căn nhà không còn nguyên vẹn dù chỉ một khung cửa.
Tòa nhà Thương Bạc. Ảnh: Trần Đình Nhung - Trần Văn Vẽ.
Mái đầu bạc trắng, bước chân đi run run, nhưng giọng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc truyền thống quyết tử Liên khu 1 anh hùng vẫn rất sang sảng, mạch lạc khi kể về những ngày đêm sống trong đạn lửa đó. Người lính già lặng lẽ đi ngắm từng bức ảnh, chỉ ra từng góc phố nơi ông và các đồng đội từng quyết chiến giành giật từng viên gạch để bảo vệ Thủ đô. Với ông, tất cả như vẫn còn hiện hữu: “Đây, chỗ này là cạnh trường Trần Nhật Duật, trước mặt là bến cảng mà người ta gọi là bến chợ Gạo, đây là phố Hàng Giấy, đây là Cao Thắng ngay chợ Bắc Qua, chỗ này một mũi lính Pháp từ phía Cao Thắng đánh vào chợ Bắc Qua, bên hông Đồng Xuân. Khi đó Pháp cho xe tăng, xe thiết giáp đi khắp các phố để uy hiếp tinh thần. Thời điểm đó ta mới giành chính quyền được một năm, vũ khí hầu hết là thô sơ: súng trường, dao găm, mã tấu… ”.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm dự triển lãm.
Ông kể lại: “Hồi đó tôi là Trung đội trưởng Trung đội 2 (Tiểu đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô). Pháp đánh trận trường Nguyễn Du trước, sở dĩ hai trường Nguyễn Du và Trần Nhật Duật là trận địa ác liệt nhất vì đây là hai cửa ngõ khống chế đường tiếp tế, liên lạc của ta. Trận đánh giằng co rất dữ, ban đầu Pháp chiếm được, nhưng sau đó ngay trong ngày, quân ta đã lấy lại. Khi đó, tôi 24 tuổi, chỉ nghĩ đến lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó: “Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh…” Cảm tử là tinh thần, còn quyết tử là hành động. Chúng tôi đã quyết tâm đánh thắng trận đầu để tạo tiền đề cho kháng chiến thành công. Trận chiến này vô cùng quan trọng bởi vì ở những trận chiến sau này đều có nhiều binh chủng tham gia, trong khi ở đây chỉ có quân dân Hà Nội”. Đại tá xúc động nói: “Bác đã động viên các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô bằng từ “các em”, chưa bao giờ lãnh tụ gọi như thế, từ đó đã tạo nên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau đó, chúng tôi còn được Bác khen ngợi: “Các chú giữ một tháng đã là thắng lợi, mà hai tháng là đại thắng lợi”.
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm còn chia sẻ về trận đánh ở phố Hàng Thiếc, nơi ông tưởng mình đã hy sinh rồi: “Khi đó, ở cột đèn đầu phố Hàng Bồ - Hàng Thiếc có một ụ pháo trông lên phía cầu tàu hỏa ở phố Phùng Hưng, nhưng trên cầu tàu đó Pháp cũng đặt một ụ quan sát trông thẳng về phía Hàng Bồ, nhưng súng có máy ngắm. Hôm đó tôi đến kiểm tra chốt Hàng Thiếc, vừa quay sang mượn đồng đội cái ống nhòm thì quân Pháp xả nguyên một loạt đạn ngay sát vai tôi. Hóa ra ụ của mình làm không có mái che, ánh sáng vào phản chiếu nên mới bị phát hiện”.
Lịch sử đã kể nhiều về một Thủ đô huyết lệ - vừa lãng mạn vừa hào hùng, các cựu chiến binh cũng đã từng chia sẻ những câu chuyện của thời đi qua 60 ngày đêm bỏng lửa đó, nhưng không gì sinh động bằng những hình ảnh trực tiếp ghi lại khung cảnh Hà Nội vươn lên từ những hoang tàn đó. Những em bé vui đùa quanh bức tường đổ nát của trường học, nhịp sống dần trở lại bên những căn nhà không còn nguyên vẹn… Đó là những minh chứng rõ nhất để đi đến một Hà Nội sôi động náo nhiệt như ngày nay, đi qua những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến và hồi sinh. Với triển lãm ảnh này, quá khứ đã trở về ngay từ trong hiện tại.