Hà Nam tập trung khoanh vùng phòng, chống dịch sốt xuất huyết

NDO -

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, từ khi dịch sốt xuất huyết bùng phát vào cuối tháng 7 đến nay, tỉnh đã ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Phủ Lý với hơn 460 ca.

Phun hóa chất diệt muỗi tại phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý (Hà Nam).
Phun hóa chất diệt muỗi tại phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý (Hà Nam).

Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam luôn có khoảng 30 đến 40 bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị nội trú. Mỗi ngày có 5 đến 6 trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị. Tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.

Tại thành phố Phủ Lý, đã có 16 phường, xã có dịch sốt xuất huyết, trong đó phường Minh Khai có số ca mắc nhiều nhất với 166 ca, phường Hai Bà Trưng 154 ca.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, nhất là tại thành phố Phủ Lý, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 2882/UBND-KGXH về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu UBND thành phố Phủ Lý chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh và chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý dứt điểm các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, không để bùng phát trên diện rộng. UBND các huyện, thị xã chủ động phối hợp ngành y tế chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện phòng, chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả.

Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch, dập dịch hiệu quả, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Trung tâm y tế thành phố Phủ Lý đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trạm y tế các phường, xã thường xuyên giám sát, điều tra các ca bệnh nghi ngờ, nắm bắt chặt chẽ tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, giám sát véc tơ sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi các khu vực có bệnh nhân sốt xuất huyết.

Các phường, xã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng bệnh như: ngủ phải nằm màn, vệ sinh môi trường nơi ở, bảo đảm thông thoáng, diệt bọ gậy, không để các vật dụng có chứa nước; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc sốt xuất huyết (sốt cao đột ngột, đau sau hốc mắt, đau cơ, buồn nôn, nôn…) cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.