Nội dung phỏng vấn đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam về chủ đề này:
Phóng viên: Thưa đồng chí, Hà Nam là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội. Đảng bộ tỉnh đã phát huy thế mạnh này như thế nào trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?
Đồng chí Lê Thị Thủy: Phát huy lợi thế là tỉnh nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, là cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, vị trí trung tâm kết nối các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu tổng quát là: Tăng cường đoàn kết xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy những thành tựu đã đạt được, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đạt mức phát triển khá của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Về kinh tế - xã hội, đã tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy lợi thế liên kết vùng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hoá nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận xã hội. Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện hiệu quả phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố vững chắc mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạt động giám sát, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, chỉ đạo quyết liệt, đi sâu, đi sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo; chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức; hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay sau Đại hội, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ban hành các nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trong đó lấy du lịch và dịch vụ logistics làm cơ sở, động lực để phát triển dịch vụ - thương mại, tạo sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn với các dự án trọng điểm, làm động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh và có các cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh phát triển.
Xây dựng và phát triển đô thị nhanh, bền vững gắn với quy hoạch vùng Thủ đô và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh Hà Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tạo môi trường đầu tư thuận lợi, quản lý chặt chẽ và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách; phấn đấu đến năm 2022, Hà Nam sẽ cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Hà Nam luôn chú trọng phát triển văn hóa, xã hội; bảo tồn, quảng bá, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19. Quan tâm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; nâng cao đời sống của nhân dân.
Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư; trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại kiện còn tồn đọng, không để vượt cấp, kéo dài, trở thành “điểm nóng”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Tập trung xây dựng quốc phòng an ninh vững mạnh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phóng viên: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng chí có thể chia sẻ những giải pháp, cách làm của tỉnh để thực hiện tốt cùng lúc 2 nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Thị Thủy: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, chủ động, ứng phó kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và tình hình thực tế của tỉnh.
Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhằm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời xây dựng quy chế làm việc và phân công rõ trách nhiệm từng thành viên.
Từ ngày 19/9/2021, trên địa bàn tỉnh Hà Nam xuất hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 thuộc biến chủng Delta trong cộng đồng, với tốc độ lây nhiễm cao và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bám sát các quy định về phòng, chống dịch của Trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế của tỉnh.
Chỉ đạo các địa phương thần tốc truy vết F1 và xét nghiệm nhanh để phân loại F0 ra khỏi cộng đồng; xây dựng bản đồ an toàn Covid-19, các phương án, kịch bản đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch, nhất là trong trường học và các khu công nghiệp, nhằm chủ động kiểm soát, ứng phó kịp thời, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kiên quyết bảo vệ và giữ vững “vùng xanh”, không để dịch bệnh lây lan.
Chỉ đạo việc thực hiện giãn cách xã hội bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh nhưng không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh; chăm lo đời sống cho người dân trong khu vực giãn cách, phong tỏa, không để thiếu lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết, nhất là không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp xuống vùng dịch kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho các địa phương. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chủ động, thường xuyên theo dõi địa bàn, lĩnh vực, nắm chắc tình hình, cùng với địa phương, đơn vị phụ trách xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.
Chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và thực tế của địa phương, nhất là trong việc lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng và cách ly F1, F2; thiết lập và duy trì hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an ninh trật tự trong các cơ sở cách ly tập trung, các khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội để thực hiện phòng, chống dịch bệnh thành công.
Ngay sau khi phát hiện ca F0 đầu tiên trong cộng đồng, tỉnh Hà Nam huy động toàn bộ lực lượng y bác sĩ trong tỉnh và nhờ Bộ Quốc phòng cùng các tỉnh, thành bạn hỗ trợ; ngày, đêm xét nghiệm cho các địa bàn có yếu tố dịch tễ, bảo đảm xét nghiệm rộng nhưng khoanh vùng giãn cách hẹp nhất, nhỏ nhất. Từ ngày 28/9/2021 đến nay, sau hơn mười ngày phòng, chống, dập dịch tỉnh Hà Nam không còn ca F0 ngoài khu vực phong tỏa và cách ly tập trung.
Đồng thời, tỉnh triển khai tiêm vaccine trên diện rộng, trước mắt ưu tiên cho địa bàn thành phố Phủ Lý, các xã, phường có các khu, cụm công nghiệp. Tính đến ngày 5/10, toàn tỉnh Hà Nam có hơn 412.500 lượt người được tiêm vaccine phòng Covid-19, trong đó gần 39.400 người tiêm mũi 2. Tỉnh phấn đấu đến hết quý I/2022 sẽ có hơn 70% số người trong độ tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch, Hà Nam rút ra một số kinh nghiệm: Khi phát hiện F0, cần khẩn trương đưa F0 đi điều trị, bảo đảm bóc tách nhanh ra khỏi cộng đồng; tiến hành truy vết “thần tốc” F1; thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo đúng Công điện 1409 ngày 15/9/2021 của Bộ Y tế; tập trung tiêm chủng kịp thời số vaccine được cấp; kích hoạt hoạt động của tổ Covid cộng đồng ở mức cao nhất.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phù hợp trong phòng, chống dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 và tạo đà cho các năm tiếp theo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng của người dân; đồng thời, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng tình hình dịch bệnh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 15% so với cùng kỳ, đạt giá trị sản xuất 113.372 tỷ đồng; thu hút mới 26 dự án đầu tư, trong đó 10 dự án FDI và 16 dự án trong nước, toàn tỉnh hiện có 1.048 dự án còn hiệu lực, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020; thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 9.910,9 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ, đạt 117% dự toán Trung ương giao; GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,9 triệu đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ nay đến cuối năm thời gian không còn dài, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Nhưng đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam đoàn kết một lòng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp, những khâu đột phá, để hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội.
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó, chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ; khống chế thành công dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!