Xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, là một trong nhiều địa phương của Hà Nam chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, nhất là người chăn nuôi bò sữa. Xã có 43 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 1.900 con. Mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao khiến chuồng trại bị ngập úng nặng. Mặc dù các hộ chăn nuôi đã di dời đàn bò đến nơi an toàn nhưng trong quá trình di chuyển đã có một số con bị lũ cuốn trôi.
Số bò còn lại do điều kiện di chuyển lên môi trường mới không phù hợp cho nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cho sữa. Mưa lũ cũng làm toàn bộ diện tích cỏ, ngô làm thức ăn cho bò bị chết gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sản lượng sữa của bò sụt giảm mạnh. Ngay khi mưa tạnh, lũ rút, các hộ chăn nuôi đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khôi phục hệ thống chuồng trại và chăn nuôi.
Là một trong những gia đình bị thiệt hại nặng sau mưa lũ do có hai con bò sữa bị lũ cuốn trôi và 10 con bị ốm, phải loại thải, chị Nguyễn Thị Bảy, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên, cho biết: Sau khi nước lũ rút, gia đình đã tập trung vệ sinh chuồng trại, mua các loại thuốc bổ để bổ sung, nhằm tăng sức đề kháng cho đàn bò. Không còn cỏ, ngô làm nguồn thức ăn cho bò, gia đình đã thay thế bằng thân cây chuối, đồng thời tăng lượng tinh bột. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài sẽ phải tính phương án nhập thức ăn thô xanh tại các vùng chăn nuôi ở ngoài tỉnh mặc dù chi phí rất cao.
Sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Huynh, xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên, có 15/22 lồng bè nuôi cá trên sông Hồng bị hư hỏng. Nước tràn và lưới rách khiến cá nuôi trong lồng thoát ra ngoài. Sau khi lũ rút, số cá bị ngộp nước, tróc vảy do va đập tiếp tục bị chết nhiều, ước thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Anh Huynh cho biết, anh nuôi cá lồng trên sông Hồng gần 10 năm, chưa bao giờ gia đình bị thiệt hại nặng nề vì thiên tai như thế. Ngay khi nước rút, gia đình anh khẩn trương gia cố lại lồng bè bị hư hỏng; chằng buộc, níu giữ ổn định các lồng bè trên sông; vá lại các mảng lưới bị rách để tiếp tục sản xuất. Mong muốn của gia đình hiện nay là được ngân hàng cho gia hạn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cũng như được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi để có điều kiện khôi phục sản xuất.
Thị xã Duy Tiên hiện có gần 200 lồng bè nuôi cá. Qua thống kê thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản xã Chuyên Ngoại, có hơn 120 lồng bị ảnh hưởng, ước thiệt hại hơn 21 tỷ đồng. Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chuyên Ngoại cho biết, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn về kinh tế của xã, với gần 34 tỷ đồng, trong đó thiệt hại nặng nhất là các hộ nuôi cá lồng trên sông Hồng.
Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ các hộ nuôi khắc phục hậu quả như: Gia cố lại lồng bè, chằng buộc, giữ ổn định lồng bè, vá mảng lưới bị rách, vớt cá chết, cây cối trôi dạt vào lồng. Tuy nhiên, điều kiện thực tế của địa phương hiện nay không có nguồn lực để hỗ trợ. Chính quyền địa phương và người dân, nhất là các hộ nuôi cá lồng mong muốn được Nhà nước, các tổ chức tín dụng mà hộ nuôi cá có khế ước vay vốn gia hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi vay, cho vay vốn mới để tái đầu tư sản xuất.
Theo thống kê, bão số 3 đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, thủy sản. Hơn 3.200 con gia súc, hơn 118.000 con gia cầm bị chết, hơn 1.400 ha nuôi cá và 415 lồng bè nuôi thủy sản bị cuốn trôi.
Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Khi tái đàn, khôi phục sản xuất, cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; không tái đàn khi chuồng trại chưa được vệ sinh và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Đối với nuôi trồng thủy sản, khi nước rút, các hộ cần kiểm tra, tu sửa bờ ao, hệ thống dây neo, phao lồng và các công trình phụ trợ. Thu gom, xử lý rác thải trong ao và khu vực lồng nuôi, vệ sinh lồng bè, lưới để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước bảo đảm nằm trong giới hạn cho phép như treo túi vôi quanh lồng nuôi; sử dụng vôi bột, Dolomite để khử trùng, tăng pH và giảm độ đục của nước ao nuôi sau khi mưa, lũ. Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất, men tiêu hóa,… vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến của các yếu tố môi trường và sức khỏe của vật nuôi, để có biện pháp xử lý kịp thời.