Hà Giang khắc phục khó khăn bước vào năm học mới

NDO - Sáng 5/9, gần 270 nghìn học sinh các cấp học ở tỉnh vùng cao Hà Giang bước vào năm học mới 2024-2025.
Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 tại liên trường xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 tại liên trường xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).

Năm học này, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang tiếp tục gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất và tình trạng thiếu giáo viên.

Do đó, trước thềm năm học mới, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm công tác giảng dạy, học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng bước thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo đó, đến tháng 6/2024, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học tại tỉnh Hà Giang mới đạt hơn 66%; tỷ lệ lớp học bán kiên cố hơn 31%; tỷ lệ phòng học tạm là hơn 2%.

Tại nhiều trường vùng cao thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng lưu trú học sinh; thiếu hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh. Bên cạnh đó, tại một số trường, các công trình được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp cần phải cải tạo, sửa chữa, thay thế.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành giáo dục đã phối hợp chính quyền các huyện, thành phố tiến hành rà soát nhằm huy động nguồn lực, đầu tư sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất cho các trường học. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã bố trí khoảng 60 tỷ đồng đầu tư tu sửa, xây mới trường, lớp học. Do đó, bước vào năm học mới các trường cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt.

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, qua rà soát, năm học 2024-2025, tỉnh Hà Giang thiếu khoảng 2.900 cán bộ, giáo viên theo định mức; thiếu 1.039 cán bộ, giáo viên theo biên chế được giao.

Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như ngoại ngữ, mỹ thuật, tin học, giáo dục thể chất.

Hà Giang khắc phục khó khăn bước vào năm học mới ảnh 1

Học sinh liên trường xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Trước thực trạng đó, ngành giáo dục đã tiến hành rà soát thực trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, môn học chuyên biệt để có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng gần 700 giáo viên và đã được tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng tiến hành rà soát để thực hiện các giải pháp khắc phục tạm thời như tăng cường biệt phái, điều động giáo viên từ nơi thiếu ít, sang nơi thiếu nhiều; phân công giáo viên dạy thêm giờ, một giáo viên dạy nhiều trường để đủ định mức; hợp đồng giáo viên.

Đối với môn học tiếng Anh, các địa phương như Mèo Vạc, Bắc Mê, Hoàng Su Phì tiếp tục triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến kết hợp với trực tiếp thông qua sự hỗ trợ dạy trực tuyến của các giáo viên tiếng Anh từ tỉnh Lâm Đồng và thủ đô Hà Nội.