Hà Giang cải tạo vườn tạp, góp phần giảm nghèo bền vững

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, tỉnh Hà Giang tập trung khâu đột phá là tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm âm thanh của Công ty TNHH Ðiện khí Quốc Quang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VĨNH LỘC
Dây chuyền sản xuất sản phẩm âm thanh của Công ty TNHH Ðiện khí Quốc Quang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo đó, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu là thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất trên đất vườn; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Mục tiêu của nghị quyết này nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến hết năm 2025, Hà Giang sẽ cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn có thu nhập khá cho hơn 6.500 hộ. Ðể tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, khuyến khích người dân cải tạo vườn tạp, tỉnh thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Ðối tượng áp dụng là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu và đáp ứng các điều kiện vay vốn với lãi suất bằng 0%; mức vay vốn ít nhất 10 triệu đồng/hộ và cao nhất 30 triệu đồng/hộ; thời gian vay vốn cao nhất 30 tháng. Sau 5 tháng triển khai, đến nay Hà Giang đã có 571 hộ dân thực hiện cải tạo vườn tạp; trong đó có 244 hộ nghèo, 327 hộ cận nghèo, đạt 160,39% kế hoạch năm 2021. Toàn tỉnh đã giải ngân vốn vay cho 231 hộ, tổng kinh phí 6.675 triệu đồng, đạt 64,71% kế hoạch. Chương trình cải tạo vườn tạp làm thay đổi nhận thức của người dân về giá trị vườn, chuồng trại, ao cá sau khi được cải tạo.

★ Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tỉnh Quảng Nam đã tập trung khởi động lại hiệu quả hoạt động kinh tế trong trạng thái bình thường mới. Trong tháng 5-2021, tỉnh đã có 98 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 2.084 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm đến nay là gần 600 doanh nghiệp và 267 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tỉnh cũng đã cấp mới 13 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 4.652 tỷ đồng. Cấp mới bốn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 9,69 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 là 11.796 tỷ đồng, đạt 61% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh, Quảng Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế phù hợp tình hình dịch Covid-19. Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo hướng thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gắn với phòng, chống dịch lâu dài. Tỉnh xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin bảo đảm an toàn cho các đối tượng, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh tại khu công nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện việc tự mua và tiêm vắc-xin cho công nhân, lao động theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ðồng thời, hoàn chỉnh phương án phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời quản lý chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là kiểm soát nhập cảnh trái phép và cư trú bất hợp pháp.

PV và TTXVN