GS.TS Trần Văn Khê: Sẽ có một bảo tàng âm nhạc dân tộc

GS.TS Trần Văn Khê: Sẽ có một bảo tàng âm nhạc dân tộc


Trong số hiện vật như GS.TS Trần Văn Khê mô tả gồm có các loại đờn tranh, đờn nhị, đờn gáo, đờn tỳ bà, hàng trăm quyển “sổ đi đường”, rất nhiều băng cassette, đĩa hát, nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học âm nhạc v.v… đã gắn bó máu thịt như những kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm tưởng của ông và giới yêu âm nhạc.

Chiều  9-12, GS.TS Trần Văn Khê đã đưa trên 420 kiện hiện vật quý của riêng ông từ Pháp về TP Hồ Chí Minh, gồm rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc, tài liệu âm nhạc, sách báo …

Đây là số tài sản đồ sộ và vô giá của cả cuộc đời hoạt động khoa học âm nhạc hết sức phong phú của GS.TS Trần Văn Khê.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết sau này khi mãn phần ông hiến tặng tất cả mọi hiện vật, tư liệu này cho nhà nước để phục vụ nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa nước nhà.

Sở Văn hóa-Thông tin TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng giúp việc chuyển tư liệu tiếng nói từ băng cassette sang đĩa CD, những hình ảnh, âm thanh từ băng video ra đĩa DVD để có thể bảo quản, lưu giữ lâu dài. Trước mắt, các nhà nghiên cứu âm nhạc, văn hóa đang chuẩn bị kiểm tra, phân loại để sau này đưa ra trưng bày, giới thiệu khi có địa điểm.

Ban Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin đã đề xuất lên UBND TP Hồ Chí Minh tìm một căn nhà phù hợp ở khu vực quận 1 hoặc quận 3 làm cơ sở vật chất cho việc trưng bày này và tại đây có thể lập thư viện riêng để sắp xếp, khai thác, phát huy những loại sách nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, âm nhạc châu Á và thế giới một cách thú vị và bổ ích.

Năm nay GS.TS Trần Văn Khê đã 84 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng hết sức mình đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc của dân tộc. Nhân dịp này ông có cuộc trò chuyện ngắn sau.

* Bằng cảm nhận của riêng mình, giáo sư có đề xuất gì để đất nước chúng ta xây dựng và phát triển thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc?

- Trước đây tôi có viết bài “Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Do yếu tố lịch sử, thời kỳ đất nước bị đô hộ thì ngoại bang đưa văn hóa họ lên làm cho người Việt Nam chúng ta tự ti mặc cảm thấy cái gì cũng thua họ. Thực ra văn hóa chúng ta vừa phong phú, vừa sáng ngời nét đẹp Việt Nam, mang tính nhân văn cao cả. Thí dụ cây đờn bầu chỉ một dây mà đánh ra bao nhiêu là âm thanh uyển chuyển, “Một dây chứa cả một trời âm thanh”.

Về yếu tố kinh tế, học nhạc dân tộc rất công phu nhưng khi hành nghề lại không có tiền nên thực tế có tình trạng âm nhạc không còn là nghệ thuật phục vụ mà biến thành một món hàng mua bán. Ta ra ngoài đồng không còn nghe câu hò, điệu lý mà thay vào đó là máy thâu thanh phát nhạc. Ở nhà trẻ ít thấy tiếng hát ru. Những người mẹ trẻ ít còn ru con bằng những câu hát tình tự quê hương như trước.

Vì vậy, bây giờ phải làm thay đổi tư duy này cùng với việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, học tập, đào tạo, bồi dưỡng về âm nhạc dân tộc một cách căn cơ, bài bản.

* Giáo sư đã dự định kế hoạch hoạt động âm nhạc nào phục vụ công chúng trong tương lai?

- Tôi không còn nhiều sức khỏe nên không còn phải đi điền dã nghiên cứu thực địa như ngày xưa. Nhìn lại, những gì tôi thâu thập được để phát huy là rất phong phú. Những tư liệu đó có giá trị cao cần được nghiên cứu, phân tích, diễn giải. Trong đó có tài năng biểu diễn của Quách Thị Hồ (cụ đã mất), của cô bảy Phùng Há, của nghệ sĩ Võ Sỹ Thừa ... và những công trình nghiên cứu về bài bản tài tử Nam bộ, bài U-Lăng của Đức Khổng Tử có trong 1 đĩa hát tôi mua được từ lâu ở Bắc Kinh Trung Quốc nay khó tìm thấy được trên thị trường.