Đây là tâm tư trăn trở của GS Nguyễn Đăng Hùng – nhà khoa học của Việt Nam được phong hàm giáo sư tại Mỹ nhờ có hàng chục công trình nghiên cứu về ung thư, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch.
Trăn trở với điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch
Nguyễn Đăng Hùng tốt nghiệp đại học Dược Hà Nội năm 2006. Anh lấy bằng tiến sĩ hóa sinh tại Hàn Quốc năm 2012, làm nghiên cứu sau tiến sĩ về điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch ở Trường Đại học Y khoa Nam Carolina (Medical University of South Carolina năm 2012 - 2019). Hiện tại, anh đang làm giáo sư tại Đại học Central Florida (University of Central Florida) tại Mỹ.
Anh đã tham gia vào nhóm nghiên cứu chế tạo ra vancine chống lại ung thư và các bệnh tự miễn sử dụng tế bào tua (Dendritic cells) biểu hiện các ligand tác động lên các thụ thể ức chế và kích hoạt trên tế bào lympho. Sau đó, anh tiếp tục tham gia nghiên cứu về phương pháp cấy ghép tủy để điều trị ung thư. Lúc bấy giờ, tổng số ca cấy ghép ở Mỹ vào khoảng 8.000 ca. Trung tâm của GS Nguyễn Đăng Hùng tiến hành khoảng 120 ca hằng năm.
Với nền tảng kiến thức vững chắc về hóa sinh và chuyển hóa tế bào, cùng với mong ước về một liệu pháp có thể mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, GS Nguyễn Đăng Hùng là một trong những nhà khoa học đầu tiên công bố rất chi tiết về đặc tính chuyển hóa của tế bào lympho sau khi được cấy vào cơ thể bệnh nhân ung thư.
Nghiên cứu của anh có tầm ảnh hưởng rất lớn và được đánh giá cao bởi cộng sự vì đã cung cấp rất nhiều đích tác động làm nền tảng cho sự phát triển các thuốc chống lại quá trình thải ghép và các tác dụng không mong muốn, đồng thời tăng cường tác dụng chống ung thư của liệu pháp tế bào gốc. Công trình nghiên cứu này là một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu đã được xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội Y học thực hành Mỹ (Journal of Clinical Investigation, chỉ số ảnh hưởng 13.25) vào năm 2016.
GS Nguyễn Đăng Hùng tiếp tục phát hiện ra rằng quá trình thực bào (autophagy) trên tế bào tua có vai trò lớn trong duy trì tác dụng chống ung thư của liệu pháp cấy ghép tế bào gốc. Kết quả của nghiên cứu này được xuất bản trên tạp chí JCI Insight 12 năm 2019 và thu hút được sự quan tâm của nhiều công ty dược phẩm tại Mỹ.
Với sự phát triển đến chóng mặt của liệu pháp điều trị ung thư tại Mỹ, anh tham gia vào đội ngũ nhà khoa học nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư thế hệ mới nhất gọi là phương pháp điều trị ung thư miễn dịch (Cancer Immunotherapy) tại một trong 72 trung tâm được chứng nhận bởi Chính phủ Mỹ có tên là Hollings Cancer Center.
Làm sao để có thể mang các thành tựu nghiên cứu ung thư từ Mỹ áp dụng về Việt Nam là một câu hỏi rất hóc búa. Rất rất nhiều người thân của anh đã ra đi, mà không có cơ hội được sử dụng các liệu pháp tiên tiến này. Làm thế nào để có thể cho bệnh nhân ung thư cơ hội sống là câu hỏi cần giải đáp. Muốn làm được điều này, GS Hùng đã ấp ủ một kế hoạch dài hơi và bài bản để có thể phát triển liệu pháp mới ngay tại Việt Nam. Anh đã chọn trường University of Central Florida là nơi mở phòng thí nghiệm riêng của mình vì nơi đây cho anh mọi điều kiện (một quỹ khởi nghiệp rất lớn) để phát triển một chương trình ung thư miễn dịch hiệu quả và toàn diện nhất.
Tìm cơ hội hợp tác và chuyển giao kỹ thuật tại Việt Nam
Theo GS Nguyễn Đăng Hùng, hiện tại chi phí cho một quá trình điều trị cho một bệnh nhân ung thư máu theo liệu pháp CAR-T là vào khoảng 300 nghìn USD và liệu pháp điều trị bằng ức chế thụ thể PD-1 hoặc CTLA-4 cũng rất đắt đỏ. Để giảm chi phí và có thể mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân tại Việt Nam, GS Hùng chia sẻ "chúng ta nên có một hệ thống điều trị được thiết lập ở Việt Nam".
Giữa tháng 6-2019, GS Nguyễn Đăng Hùng trở về Việt Nam với những ấp ủ đã được nhen nhóm nhiều năm qua. Với kiến thức và kinh nghiệm về liệu pháp miễn dịch, anh muốn thiết lập một hệ thống điều trị bằng các phương pháp có khả năng áp dụng nhanh chóng vào Việt Nam. Theo anh, hoàn thiện và phát triển phương pháp cấy ghép tế bào gốc có tính khả thi rất cao khi đáp ứng được chi phí điều trị phải chăng, chu trình đã được chuẩn hóa bên Mỹ và được chứng nhận bởi Cục Quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ FDA.
GS Nguyễn Đăng Hùng (trái) và GS Chrystal Paulos (đang cùng làm việc tại Medical University of South Carolina).
Hiện tại, GS Nguyễn Đăng Hùng là chủ một Labo độc lập nghiên cứu về ung thư tại Mỹ và được sự bảo trợ của Chính phủ Mỹ. GS Hùng vô cùng mong muốn có cơ hội đóng góp cho đất nước thông qua chương trình hợp tác chính thức về đào tạo, nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật hoàn toàn miễn phí và thiện nguyện với các bệnh viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu, các bác sĩ và các nhà khoa học trong nước...
Anh mong muốn thiết lập một trung tâm nghiên cứu về ung thư miễn dịch với chức năng đào tạo các nhà nghiên cứu tương lai. Trung tâm này sẽ giữ liên kết với các trường đại học và bệnh viện đang nghiên cứu về ung thư để hoàn thành sứ mệnh phát triển liệu pháp ung thư miễn dịch tại Việt Nam. “Trước mắt, chúng tôi đang cố gắng thiết lập các chương trình nghiên cứu đào tạo sau tiến sĩ và tiến sĩ với sự hợp tác giữa đại học của Mỹ và Việt Nam”, GS Hùng nói.
Hiện tại, GS Hùng đang trong giai đoạn hoàn tất ba công trình nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Công trình nghiên cứu đầu tiên nhằm sản xuất ra các chất ức chế bổ thể di chuyển định hướng và tác động đến tế bào đích. Kết quả của công trình nghiên cứu này đã được mời phát biểu ở Hội nghị Huyết học hằng năm (American Society of Hematology Annual Meeting) của Mỹ vào năm 2017; được ước tính sẽ xuất bản trên tạp chí nghiên cứu khoa học hàng đầu và có thể tạo ra 3 - 4 loại thuốc chống ung thư mới.
Hai công trình nghiên cứu tiếp sau tập trung vào nghiên cứu về nghiên cứu tác động vào chuyển hóa mỡ của tế bào T để tăng cường khả năng chống ung thư và giảm giá thành chi phí của liệu pháp truyền tế bào T, CAR-T và cấy ghép tế bào gốc; nghiên cứu chế tạo tế bào allogeneic CAR-T trong điều trị các bệnh nhân ung thư máu. Hai nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ tạo ra hai loại thuốc chống ung thư mới và cũng sẽ được xuất bản trên các tạp chí khoa học có uy tín thời gian tới.
GS Nguyễn Đăng Hùng đã xuất bản hơn 30 bài báo khoa học và hơn 40 posters. Anh đã giành được nhiều giải thưởng của Hiệp hội Huyết học Mỹ (American Society of Hematology), Hiệp hội Phát triển khoa học Mỹ (American Association for Advancement of Science), và bộ y tế Mỹ (NIH). Anh làm phản biện cho nhiều tạp chí chuyên ngành uy tín như: Journal of Transplantation (SSN: 1600-6143), Frontiers in Immunology (ISSN, 1664-3224), Theranostics (ISSN: 1838-7640), Journal of Immunology Research and Therapy (ISSN: 2472-727X), Experimental Hematology & Oncology (ISSN 2162-3619), BMC Cancer (ISSN: 1471-2407). |