Góp ý sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật về hóa chất nguy hiểm

NDO - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi 1:2024 QCVN 05A:2020/BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất Urea tại Nhà máy đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam - Vinachem). (Ảnh: HOÀNG ANH)
Dây chuyền sản xuất Urea tại Nhà máy đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam - Vinachem). (Ảnh: HOÀNG ANH)

Theo đó, với yêu cầu về nhà xưởng kho chứa nêu trong dự thảo, theo VCCI, Điểm 5.9 Mục 2 Phần II Dự thảo quy định về phạm vi lắp đặt thiết bị rửa mắt và tắm khẩn cấp với nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này mới chỉ có nội dung về phạm vi bán kính tối đa mà chưa có yêu cầu về phạm vi tối thiểu.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung phạm vi tối thiểu từ khu vực có thao tác tiếp xúc hóa chất nguy hiểm đến vị trí lắp đặt mà các nhà xưởng, kho chứa cần đáp ứng.

Về yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh sử dụng và bảo quản hóa chất ăn mòn, VCCI cho hay, Điểm 9.1.1 Mục 4, Điểm 10.1.7 Mục 5 Phần II Dự thảo quy định về hệ thống thu gom của nhà xưởng, kho chứa hóa chất ăn mòn, khu vực chứa hóa chất độc.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này chưa hợp lý vì tất cả kho chứa bất kể dung tích đều sẽ phải lắp đặt hệ thống thu gom hóa chất. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung giới hạn dung tích tối thiểu, chẳng hạn có thể cân nhắc mức tổng dung tích từ 1000 lít trở lên.

Điểm 10.1.3 Mục 5 Phần II Dự thảo quy định khu vực chất lỏng dạng khí, dạng lỏng phải có thiết bị cảnh báo rò rỉ, tràn đổ; các chất độc dạng rắn phải lắp camera giám sát. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định trên là chưa hợp lý do một số loại hóa chất chỉ có thành phần gây kích ứng và nguy hại môi trường như dầu, mỡ có độc lực thấp.

Khi đó, việc xác định và lắp đặt thiết bị cảnh báo rò rỉ, tràn đổ và camera sẽ phức tạp, gây tốn kém nguồn lực, chi phí cho doanh nghiệp. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi theo hướng chỉ quy định nơi có hóa chất độc phải có báo hiệu về tình trạng thiếu an toàn.