Những ngày đầu xuân, trên cánh đồng Rục Làn rộng gần 10 ha, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, lúa đã lên tươi tốt một mầu xanh mơn mởn. Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cà Xèng đang cùng người đồng bào Rục cuốc cỏ, bón phân cho cây trồng.
Trên thửa ruộng của mình, vợ chồng anh chị Cao Văn Xuân và Hồ Thị Bích, ở bản Mò O Ồ Ồ vừa vui vẻ làm việc, vừa trò chuyện với nhau. Anh Xuân chia sẻ: "Nhờ được Bộ đội Biên phòng chỉ cho cách trồng lúa nước, giờ chúng tôi đã tự chủ được nguồn lương thực, không bị thiếu đói nữa. Giúp vợ làm cỏ lúa xong, tôi lại ra ngoài xã xin đi phụ hồ để có thêm tiền lo cho con cái học hành".
Nhiều năm về trước, trong quá trình tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng phát hiện đồng bào Rục sống trong các hang đá giữa rừng sâu và có nguy cơ bị bệnh tật xóa sổ. Sau đó, các anh cùng chính quyền địa phương đã đưa bà con về khu tái định cư tại vị trí bây giờ. Tuy nhiên thời điểm đó, đồng bào Rục vẫn chỉ quen với việc săn bắn, lấy củ quả từ rừng để ăn. Sau thời gian dài định cư ở Thượng Hóa, cuộc sống người dân vẫn bị đói nghèo đeo bám.
Quyết tâm đưa đồng bào Rục từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hơn 15 năm về trước, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình huy động nguồn lực triển khai dự án đặc biệt ở biên giới. Cùng với máy móc, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh cùng người dân đã nhiều tháng trời khai hoang làm ruộng trồng lúa nước. Công sức của các cán bộ, chiến sĩ được đền đáp, cây lúa nước đã sống được ở Rục Làn và mang lại những mùa vàng no đủ. Ðể tập trung được sức dân, Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã chia người dân thành các tổ sản xuất để hướng dẫn bà con canh tác loại cây lương thực mới. Trải qua quá trình dài, đến nay đồng bào Rục đã tự canh tác mỗi năm hai vụ lúa nước trên cánh đồng 10 ha và tự chủ được lương thực.
Từ thành công bước đầu ở Rục Làn, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tiếp tục triển khai thêm ba dự án trồng lúa nước ở các địa bàn biên giới khác nhau, với tổng diện tích gieo trồng lên đến hơn 14 ha. Những dự án trồng lúa nước không chỉ giúp nhân dân tự chủ về lương thực mà còn giúp đồng bào các dân tộc trên biên giới thay đổi tư duy về lao động sản xuất.
Cùng với những dự án phát triển kinh tế, những năm gần đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai chương trình "Ánh sáng vùng biên" để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tại các trục đường bản biên giới, thông qua đó góp phần nâng đời sống tinh thần nhân dân, đổi thay diện mạo ở vùng sâu, vùng xa bảo đảm an ninh trật tự địa bàn biên giới. Bằng tinh thần trách nhiệm, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, đồn biên phòng trích quỹ lương, phụ cấp, vận động kinh phí để ủng hộ và đóng góp hàng trăm ngày công để xây dựng đường điện.
Sau hơn ba năm triển khai, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình huy động được nguồn kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng 107 công trình "Ánh sáng vùng biên"/102 bản làng, với 103km đường nông thôn ở khu vực biên giới có điện chiếu sáng về đêm. Hiện nay, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng các công trình như "Cổng chào vùng biên", "Truyền thanh bản xa", "Nước sạch về bản" làm thay đổi mạnh mẽ hơn diện mạo các bản làng và nhận thức của nhân dân biên giới.
Ông Ðoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết: "Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai nhiều chương trình, dự án rất hiệu quả. Trong đó chương trình "Ánh sáng vùng biên" được lựa chọn là mô hình "Dân vận khéo" và chỉ đạo nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước là bởi hiệu ứng tích cực và sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội, thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia".
Cùng với các chương trình, dự án nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng tích cực tham gia góp sức củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tạo nguồn cán bộ cho địa phương biên giới. Tính đến nay, có một đồng chí tham gia Ban Chấp hành Ðảng bộ, Hội đồng nhân dân tỉnh; bảy cán bộ tham gia cấp ủy ở bảy huyện, thị xã, thành phố; năm cán bộ tăng cường giữ chức danh Phó bí thư đảng ủy tại năm xã biên giới; 11 lượt cán bộ tham gia hội đồng nhân dân xã biên giới; 16 đồng chí tham gia cấp ủy tại 11 xã, phường biên giới; 135 lượt đảng viên tham gia sinh hoạt tại 41 chi bộ bản; phân công 377 đảng viên phụ trách 1.741 hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Các đơn vị đang nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 97 học sinh trong chương trình "Nâng bước em tới trường, con nuôi đồn biên phòng", 250 em trong Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường"…
Tính đến nay, trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình đang có 76 tổ/615 thành viên tham gia tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản; 56 tổ/1.593 hộ gia đình/3.667 cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Nhờ sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình mà cuộc sống nhân dân, đồng bào các dân tộc định cư ở khu vực biên giới tỉnh từng bước được nâng lên; tình cảm quân dân càng thêm gắn bó, phát huy được sức mạnh tổng hợp bảo vệ biên giới, giữ bình yên địa bàn. Tính đến nay, trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình đang có 76 tổ/615 thành viên tham gia tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản; 56 tổ/1.593 hộ gia đình/3.667 cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Thông qua đó, quần chúng nhân dân đã kịp thời cung cấp cho Bộ đội Biên phòng nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm.
Ðại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết: "Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực triển khai nhiều chương trình, dự án phù hợp, hiệu quả nâng cao cuộc sống người dân biên giới, từ đó tô thắm thêm tình cảm quân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ vững bình yên địa bàn".