Quốc hội hai nước trao đổi về xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh QUOCHOI.VN)
Trong những năm qua, quan hệ chính trị gắn bó, tin cậy tiếp tục được tăng cường, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể quan hệ Việt Nam-Lào. Hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục được duy trì, là một trong những trụ cột quan trọng. Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật có những chuyển biến tích cực. Hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương hai nước ngày càng thiết thực.
Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào tiếp tục được củng cố và duy trì chặt chẽ. Thỏa thuận hợp tác giữa hai quốc hội được triển khai thực hiện hiệu quả. Tháng 9 vừa qua, quốc hội hai nước tổ chức thành công Tọa đàm chuyên đề “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội” tại Ðà Nẵng. Các đại biểu hai nước trao đổi về những thông tin, bài học kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội.
Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quốc hội hai nước trong quyết định và giám sát thực hiện các vấn đề quan trọng của đất nước là nội dung được hai bên chú trọng. Trong đó, hai bên trao đổi về các cơ chế, chính sách mới, kịp thời, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của từng nước và tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong nhiều lĩnh vực, như thương mại, đầu tư...
Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam và Lào tiếp tục tăng cường đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau và phối hợp chặt chẽ. Trong năm 2024, Lào giữ các cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á và Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Với sự ủng hộ và hỗ trợ của Việt Nam, cũng như các nước thành viên, Lào đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN. Việt Nam cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Lào trong khuôn khổ AIPA.
Lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội vừa qua tham dự phiên đối thoại với đại diện AIPA trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, lần thứ 45. Ðây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết, tương tác giữa kênh lập pháp và hành pháp trong ASEAN. Trong phiên họp trù bị diễn ra ngay trước đó, các nghị viện thành viên AIPA thảo luận và thống nhất các nội dung dự thảo thông điệp của Chủ tịch AIPA gửi tới phiên đối thoại.
Tham dự phiên trù bị, Ðoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, các nước thành viên cần đẩy mạnh làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời tận dụng và phát huy động lực tăng trưởng mới thông qua khuôn khổ hợp tác về kinh tế số, kết nối mạng lưới điện, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng…
Các cơ quan lập pháp hai nước đang tích cực phối hợp nghiên cứu biên soạn và xuất bản cuốn sách “50 năm quan hệ giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào-Hợp tác toàn diện và phát triển”. Nhằm phản ánh chân thực, đầy đủ về quan hệ giữa quốc hội hai nước trong nửa thế kỷ qua (1975-2025), cuốn sách tổng kết thực tiễn quá trình phát triển, thành tựu đạt được, những đóng góp của hai cơ quan lập pháp đối với quan hệ Việt Nam-Lào; trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong giai đoạn mới. Cuốn sách sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng về quan hệ giữa hai quốc hội, giúp người dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn nữa về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Tại những cuộc tiếp xúc trong các chuyến thăm song phương, cũng như nhân dịp các hội nghị đa phương gần đây, lãnh đạo cấp cao và các cấp Việt Nam và Lào đều bày tỏ tin tưởng rằng, với sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa hai quốc hội, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào tiếp tục phát triển tốt đẹp và ngày càng thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân mỗi nước, đóng góp vào sự kết nối và tự cường của ASEAN.