Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia

NDO - Vừa qua, tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã khánh thành Kho cảng LNG Thị Vải với công suất 1 triệu tấn/năm đầu tiên tại Việt Nam, sẽ cơ bản đáp ứng bổ sung nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam Bộ và bù đắp lượng khí thiếu hụt cho thị trường miền bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm nạp LNG cho ISO Container tại cụm kho cảng LNG Thị Vải - PV GAS.
Trạm nạp LNG cho ISO Container tại cụm kho cảng LNG Thị Vải - PV GAS.

Để đáp ứng việc hình thành chuỗi cung ứng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nâng cao năng lực logistics, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO) đã phối hợp chặt chẽ với PV GAS, các đơn vị liên quan tích cực nghiên cứu, hoàn thiện phương án vận chuyển khí LNG đi các địa phương trên cả nước bằng hệ thống đường sắt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn phòng, chống cháy, nổ khắt khe.

Nguồn LNG nhập khẩu sẽ được phân phối đến các khách hàng của PV GAS theo 2 phương thức: LNG được tái hóa khí và nén vào đường ống dẫn khí hiện hữu; LNG được phân phối bằng bồn chuyên dụng (LNG ISO Container) trên đường biển/sông, đường bộ, đường sắt.

Các loại bồn chuyên dụng LNG ISO Container được Tập đoàn NRS (Nhật Bản) – đối tác của PV GAS, chế tạo theo các tiêu chuẩn đặc biệt và khắt khe nhất của thế giới, nhằm bảo đảm vận chuyển an toàn tuyệt đối khí LNG.

Việc nhập khẩu LNG có thể coi là một phần trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững của quốc gia. Đây là nguồn năng lượng không chỉ hiệu quả, mà còn giúp giảm thiểu khí thải và ô nhiễm môi trường, một lựa chọn hoàn hảo trong việc cung cấp năng lượng xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 1

Khu tập kết LNG Container tại Tập đoàn NRS (Nhật Bản) để kiểm tra chất lượng lần cuối trước khi chuyên chở về Việt Nam phục vụ chở khí LNG.

Đến thời điểm hiện tại, PV GAS là đơn vị đầu tiên được chứng nhận và có đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh, phân phối LNG tại thị trường Việt Nam. Điều này cung cấp cơ sở pháp lý và quyền hạn cho PV GAS để thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu LNG một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 2

Chuyên gia của Tập đoàn NRS (Nhật Bản) hướng dẫn kỹ thuật về bồn chuyên dụng chở khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.

Nắm bắt được nhu cầu vận chuyển khí LNG, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiên cứu các điều kiện vận chuyển, tìm hiểu các phương thức vận chuyển và xây dựng phương án vận chuyển khí LNG bằng đường sắt.

Đường sắt Việt Nam hiện có tổng chiều dài 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố từ bắc đến nam. Tuyến vận tải đường sắt chính trên trục bắc–nam có khổ đường 1.000mm cùng hệ thống bãi tập kết container, khai thác hàng hóa; hệ thống toa xe chở container, thiết bị xếp dỡ container hiện đại, đồng bộ hoàn toàn đáp ứng các điều kiện vận chuyển khí LNG.

Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 3

Cơ sở hạ tầng đồng bộ toa xe, kho bãi, thiết bị nâng hạ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Nhận thức rõ LNG là sản phẩm mới và lần đầu tiên được vận chuyển tại Việt Nam, đòi hỏi những yêu cầu cao về kỹ thuật vận hành, điều kiện vận chuyển với các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy khắt khe, đội ngũ kỹ thuật của VNR đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi và tích cực làm việc với PV GAS cùng các cơ quan chức năng, xây dựng và hoàn thiện phương án vận chuyển LNG Container từ kho LNG Thị Vải ra miền trung, miền bắc bằng đường sắt tối ưu nhất.

Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 4

Các toa tàu chuyên dụng chở bồn chứa khí LNG của RATRACO.

Nhóm nghiên cứu của cả hai bên đều nhận định, phương thức vận chuyển LNG Container bằng đường sắt sẽ tận dụng được hệ thống cơ sở hạ tầng các ga tiếp nhận, kho bãi, năng lực kéo, xếp dỡ của ngành đường sắt. Đây là phương án được ghi nhận sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, tiếp cận nhiều địa phương không có quy hoạch cảng biển và bảo đảm nguồn cung khí liên tục cho các khách hàng của PV GAS tại thị trường miền bắc và miền trung.

Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 5

Đội ngũ chuyên gia của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khảo sát các điều kiện để xây dựng phương án vận chuyển LNG tại cụm kho cảng LNG Thị Vải - PV GAS.

Trên cơ sở đó, tháng 9/2023, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (RATRACO) - đơn vị thành viên của VNR đã ký Hợp đồng dịch vụ vận chuyển LNG với Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG Vietnam) - đơn vị thành viên của PV GAS.

Đến ngày 6/11/2023, VNR đã nhận giấy phép vận chuyển khí LNG của các cơ quan chức năng, đánh dấu mốc quan trọng trong việc Đường sắt Việt Nam đã hoàn tất các điều kiện để vận chuyển LNG, cũng là bước tiến quan trọng nằm trong kế hoạch của VNR nhằm sẵn sàng chuỗi cung ứng LNG cho các khách hàng của PV GAS trên khắp cả nước bằng hệ thống đường sắt; qua đó, góp phần tăng sản lượng vận tải đường sắt, khai thác hiệu quả hạ tầng, trang thiết bị và cơ sở vật chất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Góp phần hình thành chuỗi cung ứng khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia ảnh 6

Một đoàn tàu vận chuyển LNG tại Nhật Bản.

Phương thức vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng LNG bằng ISO Container trên đường sắt đã được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng từ lâu, ví dụ, Công ty Vận tải đường sắt Nhật Bản (Japan Freight Railway Company) đã bắt đầu vận chuyển LNG từ những năm 2000. Bài học từ Nhật Bản đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm và sự quyết tâm cho đội ngũ cán bộ công nhân viên của VNR không ngừng nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để phát triển ngành đường sắt hơn nữa, đa dạng hóa các mô hình vận chuyển, nâng cao năng lực logistics, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.