Góp phần giải quyết chi phí đầu vào trong sản xuất và cải thiện môi trường

NDO - Mô hình IMO đã hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập hội viên, nông dân; thực hiện vệ sinh môi trường và bán nông sản giá trị cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân trình bày tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Nông dân trình bày tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Ngày 14/2, tại thành phố Cao Lãnh, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Từ hiệu quả mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” (mô hình IMO) được thực hiện thí điểm tại huyện Châu Thành năm 2023, năm 2024, mô hình được nhân rộng ra 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười.

Mỗi đơn vị huyện chọn từ 1 đến 2 xã làm điểm thực hiện mô hình, riêng huyện Châu Thành triển khai nhân rộng toàn huyện.

Kết quả thực hiện, đối với 4 huyện nhân rộng, các hội viên được tập huấn đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho 1.140 hộ áp dụng làm chế phẩm men vi sinh IMO, làm được 19.550 lít men vi sinh IMO nước và 23.155kg men vi sinh IMO khô.

Ngoài ra, có 317 hộ hội viên nông dân áp dụng làm 7.700kg phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, lục bình…). Vận động được 11.337 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình.

Mô hình đã áp dụng cho nhiều lĩnh vực trên cây trồng, vật nuôi, như trên các loại cây mít, nhãn, xoài, sầu riêng, các loại rau…, trong chăn nuôi như vịt, gà, bò, heo, dê…

Đối với đơn vị huyện Châu Thành, sau hội nghị tổng kết mô hình, huyện đã triển khai nhân rộng mô hình ra 12/12 xã, thị trấn còn lại trên địa bàn.

Tổ chức thu gom và phân loại rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình và kết hợp với phụ phẩm nông nghiệp, có hơn 65 tấn rác ủ với hơn 16.850 lít men vi sinh IMO và 20.455kg men IMO khô gốc tạo thành phân hữu cơ phục vụ trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.

Ngoài hiệu quả xã hội và môi trường, mô hình cho thấy tính hiệu quả về mặt kinh tế. Hội viên nông dân tham gia mô hình đã áp dụng việc chuyển giao công nghệ, nhất là giải pháp áp dụng vi sinh vật bản địa có lợi trên cây trồng vật nuôi. Phân loại thu gom nguồn rác hữu cơ tạo ra thành phân hữu cơ để cung cấp lại cho cây trồng.

Góp phần giải quyết chi phí đầu vào trong sản xuất và cải thiện môi trường ảnh 2
Trao Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh tặng 2 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện mô hình. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Đại biểu tham dự hội nghị đã đánh giá cao tính hiệu quả, thiết thực và cần thiết phải nhân rộng mô hình.

Việc triển khai mô hình còn một số khó khăn như một số hộ nông dân chưa hiểu đầy đủ cách làm men vi sinh IMO, cách bảo quản và sử dụng nên chưa mạnh dạn sử dụng men vi sinh IMO trên cây trồng, vật nuôi.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu đề nghị Hội Nông dân các huyện thực hiện mô hình duy trì và nhân rộng toàn diện trên địa bàn trong thời gian tới.

Đồng thời, Hội Nông dân các huyện, thành phố chưa thực hiện mô hình tranh thủ tham mưu với cấp ủy, Ủy ban nhân dân xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2025.

Góp phần giải quyết chi phí đầu vào trong sản xuất và cải thiện môi trường ảnh 3
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp Lý Văn Giàu phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

“Hội Nông dân các cấp trong tỉnh phải xác định mô hình IMO là nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, nhiệm kỳ 2023-2028. Từ đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đạt 3 mục tiêu: Giúp hội viên nông dân và người nông dân sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; tạo đầu ra nông sản từ sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ”, ông Lý Văn Giàu nhấn mạnh.