Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 tại Brunei. Việc gia nhập ASEAN là cột mốc quan trọng trên con đường hội nhập khu vực và mở ra những cơ hội phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; đồng thời cũng tạo điều kiện giúp Việt Nam phát huy vai trò và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Ba năm sau khi gia nhập, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 12/1998. Những kết quả quan trọng đạt được tại hội nghị này, trong đó có Chương trình Hành động Hà Nội, đã góp phần tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác và định hướng cho sự phát triển của Hiệp hội để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Nhằm góp phần hoàn thành ý tưởng về một “mái nhà chung” bao gồm 10 nước Đông Nam Á, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, mở ra một trang mới đối với Hiệp hội cũng như khu vực.
Việt Nam góp phần quan trọng trong việc xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn của ASEAN, như Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025…, các kế hoạch triển khai trên cả ba trụ cột của Cộng đồng, cùng nhiều thỏa thuận về kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), bằng việc thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ; cũng như lần đầu tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+).
Năm 2020 đánh dấu năm thứ 5 kể từ ngày Cộng đồng ASEAN được thành lập và năm thứ 25 Việt Nam gia nhập Hiệp hội, song đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Phát huy tinh thần của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy và dẫn dắt các thành viên của Hiệp hội thực hiện nhiệm vụ kép là vừa ứng phó dịch bệnh hiệu quả, vừa thúc đẩy nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng các nguyên tắc, định hình “luật chơi” của khu vực như việc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tài liệu Quan điểm của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Những văn bản này hình thành lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong khu vực, trên cơ sở phù hợp các giá trị, nguyên tắc cơ bản và vai trò trung tâm của Hiệp hội.
ASEAN ngày càng khẳng định vị thế là một tổ chức khu vực vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác quan trọng của nhiều nước, tổ chức trên thế giới. Việt Nam đóng góp thiết thực vào quá trình hợp tác, cũng như thúc đẩy và mở rộng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhất là trong các nhiệm kỳ điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc, EU, Ấn Độ và Nhật Bản.
Cùng các nước thành viên và các đối tác của ASEAN, Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết và đưa Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào hiệu lực, mở ra cơ hội tăng trưởng kinh tế của khu vực hậu dịch bệnh.
Trong gần 30 năm qua, những đóng góp quan trọng của Việt Nam được các nước thành viên và đối tác của Hiệp hội đánh giá cao. Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đồng hành các nước thành viên duy trì đà hợp tác và liên kết khu vực, củng cố vai trò trung tâm và nâng cao vị thế của ASEAN, ứng phó có hiệu quả các thách thức, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.