Góp một cây để có rừng

"Góp một cây để có rừng" là chương trình trồng rừng từ nguồn lực xã hội hóa mà đơn vị tổ chức và những người yêu thiên nhiên muốn lan tỏa rộng rãi sự chung tay, góp sức của cộng đồng thông qua việc trồng và giữ rừng bền vững. Cùng với trồng rừng, chương trình còn hướng tới triển khai ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng để phát triển bền vững ở khu vực đầu nguồn các con sông.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ đội biên phòng Quảng Bình tham gia trồng cây phi-lao chắn gió ven biển, tháng 2/2024. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)
Bộ đội biên phòng Quảng Bình tham gia trồng cây phi-lao chắn gió ven biển, tháng 2/2024. (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Cuối tháng 3/2024, Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) và UBND huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình tham quan mô hình rừng trồng và tọa đàm "Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh". Ðây là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của chương trình "Góp một cây để có rừng" năm 2024 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về rừng.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 3 năm (2021-2023), tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng cả nước gần 9.450 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm 43,5% là con số rất lớn thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của nhiều tập thể, cá nhân trong việc trồng và phục hồi rừng cho phát triển bền vững.

Quảng Bình là điểm khởi đầu của chương trình "Góp một cây để có rừng". Từ khu rừng đầu tiên tại bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 17 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La. Ðến tháng 3/2024, VARS trồng được hơn 521 ha rừng, tương đương với 617.102 cây giống bản địa, như: Lim, dổi, huỵnh, vàng tim, de, lát, xoan... Diện tích rừng trồng của VARS thực hiện chương trình được chăm sóc, bảo vệ tốt cho nên ngày càng phát triển.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 3 năm (2021-2023), tổng nguồn vốn huy động để bảo vệ, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng cả nước gần 9.450 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm 43,5% là con số rất lớn thể hiện trách nhiệm và tâm huyết của nhiều tập thể, cá nhân trong việc trồng và phục hồi rừng cho phát triển bền vững. Ðiển hình là VARS với dự án "Trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh và sông Thạch Hãn". Dự án này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp "Góp một cây để có rừng". Trong 3 năm qua, VARS đã cùng với chính quyền các huyện ở Quảng Bình và Quảng Trị trồng được hơn 520 ha rừng bằng cây giống bản địa ở những vùng đầu nguồn các con sông lớn như sông Gianh, sông Thạch Hãn, là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Hiện ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, trồng rừng kinh tế nói chung, trồng rừng bằng giống cây bản địa đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ bởi đây là chủ trương hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dưới tán rừng cây bản địa, người dân còn trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông, lâm kết hợp để bảo đảm sinh kế, qua đó góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn các tỉnh cũng như tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái.

Với các dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh, sông Thạch Hãn, mục tiêu đặt ra là khôi phục rừng tự nhiên bằng hình thức trồng cây rừng bản địa thông qua vận động cộng đồng đóng góp 50.000 đồng/cây lâm nghiệp. Năm nay, chương trình "Góp một cây để có rừng" đề ra kế hoạch trồng thêm 200 ha rừng tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ðồng hành với chương trình, nhiều tập thể, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp hưởng lợi từ nguồn nguyên liệu khai thác từ rừng ở trong nước tự nguyện đóng góp, hỗ trợ trồng rừng bằng các giống cây bản địa, qua đó thể hiện trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Trồng rừng bằng cây bản địa đòi hỏi cần nhiều thời gian mới phát triển thành rừng, trong khi cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn thì đây là sự lựa chọn khó. Bởi vậy, đơn vị tổ chức chương trình "Góp một cây để có rừng" cần gắn việc trồng và phục hồi rừng với việc tạo sinh kế cho người dân như hỗ trợ trồng thêm cây đa mục tiêu như cây dổi lấy hạt hay dược liệu dưới tán rừng; trồng rừng hỗn giao và đưa những loại lâm sản ngoài gỗ trồng dưới tán rừng để người dân có nguồn thu "lấy ngắn nuôi dài".