Gỡ vướng việc chuyển đổi diện tích đất trồng lúa

Từ năm 2021 đến tháng 4/2024, tổng diện tích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân thành phố cho phép chuyển đổi sang mục đích khác để thực hiện dự án đầu tư là 5.994,65 ha. Tuy nhiên, đến nay thành phố mới thực hiện chuyển đổi được 2.207,74 ha, đạt 36,83% kế hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại huyện Đông Anh. (Ảnh TUẤN VIỆT)
Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội khảo sát một dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại huyện Đông Anh. (Ảnh TUẤN VIỆT)

Tỷ lệ diện tích đất được chuyển đổi trên địa bàn thành phố đạt thấp chủ yếu do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; xác định nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, giá đất... Bên cạnh đó, khả năng dự báo nhu cầu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch của các đơn vị hành chính, ngành, lĩnh vực tại địa phương chưa bảo đảm tính khả thi.

Thủ tục còn vướng

Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố vừa tiến hành giám sát chuyên đề về thực hiện các quy định của pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố trong chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức. Ban đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương và năm huyện: Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Oai, Gia Lâm về thực hiện các quy định của pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố trong chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã thực hiện thu hồi, chuyển mục đích xong đối với 695,24 ha; đạt 70,57% kế hoạch. Một số công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất chậm tiến độ do có quy mô lớn, quá trình chuẩn bị đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là công tác cấp chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường.

Bên cạnh đó, huyện Đông Anh gặp khó khăn do nguồn vốn còn hạn chế. Để tháo gỡ khó khăn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng đề xuất, Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; phân cấp, ủy quyền cấp huyện trong việc đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường đối với các dự án có sử dụng đất lúa.

Huyện Hoài Đức cũng gặp phải những vấn đề khó khăn trong công tác chuyển đổi mục đích đất trồng lúa. Huyện đã và đang thực hiện thu hồi đất trồng lúa đối với 119 dự án trong tổng số 171 dự án trên địa bàn, đạt 69,6% tổng số dự án đã được thông qua.

Đến nay, huyện mới hoàn thành thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa 13 dự án với tổng diện tích 17,96 ha. Trong đó, hoàn thành giải phóng mặt bằng hai dự án đấu giá quyền sử dụng đất với diện tích 4,45 ha, đã chuyển mục đích và được giao đất; ba dự án đã và đang thu hồi đất, chưa hoàn thành việc chuyển mục đích sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức Nguyễn Anh đánh giá, nguyên nhân gây chậm trễ là do khi đăng ký dự án chuyển mục đích đất trồng lúa phát sinh hai thành phần hồ sơ so với trước đây. Dự án phải hoàn tất công tác thu hồi đất để xác định chính xác diện tích đất trồng lúa; tiếp đó phải hoàn thành việc nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thì mới đủ điều kiện để đăng ký, trình Hội đồng nhân dân thông qua nghị quyết làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất.

Quy trình này tốn rất nhiều thời gian, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Huyện Hoài Đức kiến nghị Hội đồng nhân dân thành phố thông qua danh mục dự án chuyển mục đích đất trồng lúa đồng thời với danh mục dự án thu hồi đất như trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khi triển khai thực hiện. Các sở, ban, ngành hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ thẩm định để triển khai đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện.

Rà soát, xây dựng kế hoạch bảo đảm tính khả thi

Theo Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Vân Nga, qua khảo sát, giám sát, những khó khăn của hai huyện Hoài Đức và Đông Anh cũng là khó khăn chung của nhiều huyện ngoại thành hiện nay. Bà Hồ Vân Nga đề nghị thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc các quận, huyện, thị xã, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch sử dụng đất hằng năm gắn với tính khả thi trong triển khai thực hiện các dự án theo các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố.

Tăng cường công tác tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn các quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án trong thời gian tới. Rà soát kỹ lưỡng các danh mục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, thu hồi đất hằng năm để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố tại các kỳ họp bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, tính khả thi để triển khai thực hiện.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nga (Trường đại học Luật Hà Nội), việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại cho các mục đích khác tại Hà Nội đã được phân quyền cho chính quyền thành phố trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Thủ đô năm 2012.

Tuy nhiên, việc thực thi Luật Thủ đô năm 2012 về nội dung này trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có cơ chế đặc thù để chính quyền thành phố chủ động trong việc khảo sát, đánh giá tính hiệu quả của việc giữ diện tích đất trồng lúa tại từng vị trí cụ thể; qua đó chính quyền sẽ chủ động trong chuyển đổi chỉ tiêu, cơ cấu sử dụng đất lúa sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao.