Gỡ vướng trong xây dựng trường chuẩn quốc gia

Dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng hệ thống trường học công lập trên địa bàn thị xã Sơn Tây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên... Vì vậy, để thị xã có thể đạt mục tiêu hơn 85% số trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, còn cần cả sự hỗ trợ, tạo điều kiện của thành phố và các sở, ngành liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Thầy và trò Trường tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) tại trường học mới.
Thầy và trò Trường tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) tại trường học mới.

Từ năm học 2022-2023, hơn 1.000 học sinh và các thầy, cô giáo Trường tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) đã được chuyển sang ngôi trường mới, khang trang, hiện đại hơn. Cơ sở cũ chật chội, xuống cấp, không có phòng đa năng, không có sân chơi đủ rộng cho học sinh nô đùa, thì nay, ngôi trường mới đã rộng gấp hai lần với diện tích gần 12 nghìn mét vuông với 48 phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, một nhà bếp và phòng ăn ba tầng, nhà thể chất rộng rãi...

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Phương, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Được thành phố và thị xã quan tâm, đầu tư xây dựng trường mới, toàn thể học sinh, giáo viên nhà trường và cả cha mẹ học sinh đều rất phấn khởi. Nhờ rộng rãi mà trường đã có thể bố trí đủ các phòng Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học công nghệ, Thư viện... Trường đang được thị xã đề nghị thành phố công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2”.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, Lê Đại Thăng, tính đến hết năm 2022, thị xã có 36 trường trong tổng số 46 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 78,26%. Năm 2023, thị xã đề nghị thành phố kiểm tra, đánh giá để công nhận mới bốn trường, công nhận lại sáu trường đạt chuẩn. Để đạt các tiêu chí trường chuẩn quốc gia, thị xã đã tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo mạng lưới trường học.

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách địa phương thì thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ Kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo cùng một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố (Nghị quyết số 02), thị xã Sơn Tây được cân đối đầu tư 32 dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.440 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách thành phố hỗ trợ gần 900 tỷ đồng, ngân sách thị xã cân đối là hơn 196 tỷ đồng.

Tuy đã được bố trí vốn đầu tư để xây dựng, cải tạo các trường học, nhưng để thị xã Sơn Tây có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 từ 85 đến 90% số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia thì hiện tại vẫn còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn. Đơn cử, Trường tiểu học Cổ Đông (xã Cổ Đông) có quy mô lớn nhất thị xã với gần 1.800 học sinh, trung bình sĩ số mỗi lớp tới 42-44 học sinh, không đáp ứng các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Thị xã Sơn Tây đã quyết định tách làm hai trường, cơ sở cũ là Cổ Đông A và đầu tư xây dựng thêm cơ sở mới là Cổ Đông B. Tuy nhiên, cô giáo Đặng Thị Kim Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tại cơ sở A, do những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ cũ mà hiện rất khó khăn trong việc thực hiện cải tạo, cơ sở vật chất xuống cấp nặng nề, cứ trời mưa là thấm dột, tràn nước. Trường chỉ còn một nhà vệ sinh sử dụng được, những nhà vệ sinh còn lại thiếu đường thoát nước thải hoặc đã hỏng, chưa được sửa chữa...

Trường đã tách học sinh học ở hai cơ sở, nhưng lại chưa được bổ sung thêm nhân sự, cho nên cả hai cơ sở đều thiếu nhân lực nghiêm trọng. Các cán bộ, giáo viên nhà trường hiện đang phải “chạy đi chạy lại” giữa hai cơ sở.

Hay tại Trường trung học cơ sở Phùng Hưng, sau khi hoàn thành dự án cải tạo, nâng tầng đã giúp trường tăng thêm một số phòng học, phòng chức năng và các phòng bộ môn. Tuy nhiên, đường ống cấp, thoát nước đi ngầm lâu năm đã bị hư hỏng, tắc nghẽn thường xuyên, gây tình trạng mất nước trong trường học. Hệ thống nhà vệ sinh cũng thường xuyên bị tắc, mất nước, bong rộp gạch... chưa được sửa chữa.

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây Khuất Quang Hải cho biết thêm, một số trường đã đến hạn công nhận lại chuẩn quốc gia nhưng qua rà soát, hầu hết các trường đều chưa bảo đảm về diện tích, cơ sở vật chất... cho nên phải xin lùi thời gian công nhận lại. Bên cạnh đó, nhiều trường còn thiếu các trang thiết bị dạy và học, nhất là gói trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới theo hệ thống sách giáo khoa mới.

Cũng theo lãnh đạo thị xã Sơn Tây, hiện quy hoạch phân khu của thị xã chưa được phê duyệt, vì vậy không đủ điều kiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư các dự án mở rộng trường hoặc hoặc xây dựng trường học ra khu đất mới theo kế hoạch.

Một số trường như Tiểu học và Trung học cơ sở Đường Lâm... hiện không thể thực hiện cải tạo, nâng cấp do không phù hợp quy hoạch Làng cổ Đường Lâm. Ngoài ra, nguồn thu ngân sách của thị xã còn hạn chế dẫn tới gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn lực đối ứng.

Để giải quyết các khó khăn này, thị xã Sơn Tây sẽ tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Thị xã cũng kiến nghị thành phố Hà Nội sớm phê duyệt quy hoạch phân khu, trong thời gian chờ quy hoạch phân khu thì cho phép thị xã được triển khai đầu tư các trường học theo quy hoạch chung đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, do nguồn lực của thị xã có hạn, đề nghị thành phố hỗ trợ, bổ sung kinh phí để nâng cấp mạng lưới trường học, bảo đảm đạt các điều kiện, tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.