Gỡ vướng trong đầu tư công, xây dựng hạ tầng

Tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng với quy mô khá lớn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đang được thi công.
Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đang được thi công.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư kéo dài..., ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ công trình, dự án, đòi hỏi cần sớm có những giải pháp tháo gỡ.

Theo số liệu thống kê, tổng số vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên năm 2023 là gần 8.400 tỷ đồng, phân bổ cho 80 dự án thuộc các ngành, lĩnh vực, trong đó có 30 dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, gồm 12 dự án trọng điểm.

Vướng mắc khi triển khai dự án, công trình

Thời gian vừa qua, đầu tư công, xây dựng hạ tầng trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành được thành lập theo Luật Xây dựng không phải là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh cho nên không được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhóm A, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do địa phương quản lý.

Do đó, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do lực lượng nhân sự của các cơ quan chuyên môn ít và không phát huy, tận dụng được năng lực, tính chuyên nghiệp của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; việc lập hồ sơ, thẩm định trình cấp có thẩm quyền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần đất dư thừa phát sinh của các dự án phải qua nhiều bước làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.

Thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu hiện nay còn kéo dài, làm khan hiếm nguồn vật liệu đất đắp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình, nhất là đối với các công trình giao thông.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tiến độ ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương còn chậm, đến nay còn một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành hoặc ban hành nhưng còn bất cập, khó thực hiện.

Một số dự án sử dụng vốn nước ngoài, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ còn phụ thuộc vào tiến độ cho vay của nhà tài trợ nước ngoài theo từng hiệp định đã được ký kết; các dự án thực hiện theo phương thức giải ngân dựa trên kết quả kiểm đếm, kiểm toán theo quy định chậm, cuối năm các bộ chủ quản mới có thông báo kết quả để thực hiện giải ngân kế hoạch năm, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn không đúng theo kế hoạch.

Gỡ vướng thể chế, phân cấp cho địa phương

Thực tế hiện nay, đất san lấp là vật liệu có giá trị thấp, phương pháp khai thác lộ thiên và thiết bị khai thác đơn giản, nhưng quy định thủ tục cấp phép giống khoáng sản khác là chưa hợp lý.

Có nhiều trường hợp khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc hộ gia đình cần san gạt hạ độ cao để xây dựng nhà ở hoặc chuyển đổi cây trồng,... nhưng khi thực hiện sẽ phát sinh lượng đất dư thừa không lớn, cần vận chuyển ra bên ngoài thì vẫn phải xin cấp phép khai thác theo quy định.

Do đó, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Trung ương nghiên cứu, rà soát quy định về cấp phép khai thác khoáng sản, nếu là đất san lấp, xử lý đất dư thừa tại các công trình, dự án theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác; phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương xử lý.

Địa phương cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, tổng kết việc thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, hạn chế việc điều chỉnh dự án.

Theo Luật Quy hoạch quy định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, trong đó đã thể hiện các danh mục, nhu cầu sử dụng đất của các công trình dự án và xác định diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được phép chuyển mục đích để thực hiện các công trình dự án trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Tuy nhiên, Luật Đất đai quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, các dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích từ 10ha đất trồng lúa, 20ha đất rừng phòng hộ trở lên.

Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và các dự án nhà đầu tư đã cam kết thực hiện với địa phương. Do đó, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu, đề xuất bãi bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai do khi lập Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nếu những khó khăn, vướng mắc nêu trên được tháo gỡ sớm, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.