Gỡ vướng trong cải tạo chung cư cũ từ hệ số bồi thường

Sau hơn hai năm triển khai đề án cải tạo, xây dựng chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gắn với tái thiết đô thị vẫn rất chậm trễ, trong đó nguyên nhân chính là khó xác định phương án, thống nhất hệ số bồi thường giữa chủ sở hữu căn hộ với chủ đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, cần cải tạo xây dựng lại.
Nhiều chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã xuống cấp, cần cải tạo xây dựng lại.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 1.500 chung cư cũ, phần lớn đã hết niên hạn sử dụng, bị xuống cấp, không còn đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của người dân. Phần lớn người dân đều mong muốn thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ để được tái định cư tại chỗ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðể cải thiện chỗ ở cho người dân, gắn với tái thiết đô thị, cuối năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Ðề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố và các kế hoạch triển khai Ðề án.

Công tác kiểm định nhà chung cư đã được các đơn vị tiến hành khẩn trương. Thành phố đã thông qua 53 kết quả kiểm định và dự kiến trong tháng 3/2024 tiếp tục thông qua gần 130 kết quả kiểm định khác. Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đang khẩn trương thực hiện công tác quy hoạch để triển khai đồng bộ dự án… Ðáng chú ý, đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã nhanh chóng thu hút gần 100 nhà đầu tư quan tâm, mong muốn được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố rất chậm trễ và còn nhiều vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và nhất là việc xây dựng, xác định hệ số K (hệ số dùng để tính giá đất cụ thể, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành).

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, tham mưu thành phố quy định về hệ số K làm căn cứ để các địa phương, nhà đầu tư chủ động thỏa thuận, thống nhất với người dân. Ðại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2023, đơn vị đã xây dựng phương pháp xác định hệ số K; đồng thời làm việc với các quận, huyện, thị xã có nhà chung cư cũ để hướng dẫn triển khai.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn vì mỗi tòa chung cư cũ nằm ở một vị trí khác nhau; quy hoạch và mật độ dân số cũng khác nhau, cho nên việc xác định hệ số K cũng không thể giống nhau. Vì thế, cuối năm 2023, Sở Xây dựng đã có tờ trình kèm dự thảo quyết định về việc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, nơi có nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại, phê duyệt hệ số K bồi thường khi thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn quản lý, trên tinh thần bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt, lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cùng các ngành đang xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, nhất là những vấn đề liên quan đến năng lực tài chính, kinh nghiệm… để Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã thống nhất việc ủy quyền, phân cấp cho quận, huyện, thị xã có chung cư cũ xác định hệ số K theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

Mạc Ðình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Các quận, huyện, thị xã nắm được chính xác vị trí từng dự án, quy mô dân số và toàn bộ quy hoạch chung cư cũ tại địa bàn, cho nên việc tính toán hệ số K sẽ phù hợp, sát nhất, bảo đảm tiêu chí hiệu quả cho chủ đầu tư, quyền lợi cho người dân, gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị. Ðồng chí Mạc Ðình Minh cho rằng, năm 2024, việc ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã trong việc xác định hệ số K sẽ sớm được triển khai. Sở Xây dựng sẽ cùng các địa phương giám sát chặt chẽ việc xác định hệ số K bảo đảm chính xác, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.