Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, những ngày qua, khu vực phía tây thành phố Hà Nội bị ngập lụt kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân chậm trễ giải phóng mặt bằng kênh tiêu La Khê, đoạn qua địa bàn quận Hà Đông đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án cứng hóa kênh La Khê dài 5,8 km từ phường Vạn Phúc, quận Hà Đông đưa nước đến Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận Hà Đông đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, đối thoại với các hộ dân có đất bị thu hồi để làm rõ nguồn gốc từng thửa đất cũng như công trình xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhưng hai phía vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện tại vẫn còn nhiều công trình chưa di dời, cản trở việc thi công dự án.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, trong quá trình thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân quận đã tiếp nhận hơn 100 đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân sáu phường có dự án đi qua liên quan phương án bồi thường hỗ trợ.
Ủy ban nhân dân quận đã đề xuất thành phố vận dụng cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân, phê duyệt nhiều phương án hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng các gia đình không phối hợp thực hiện. Sau nhiều buổi đối thoại làm rõ nguồn gốc sử dụng đất để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân, nhưng nhiều gia đình không cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn gốc đất đai của mình, cố tình không bàn giao mặt bằng.
Tương tự, Dự án cải tạo, nâng cấp trục đường giao thông liên xã Phù Lưu Tế - Phùng Xá, huyện Mỹ Đức có tổng mức đầu tư hơn 75 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc giải phóng mặt bằng đối với diện tích hơn 300m2 đất.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân xã Phùng Xá, chính quyền và các đơn vị chức năng đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ có lợi nhất cho người dân có đất bị thu hồi, nhưng người dân chưa đồng tình. Ủy ban nhân dân xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng; đồng thời xây dựng phương án cưỡng chế theo quy định.
Triển khai Luật Đất đai năm 2024, ngày 13/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2024/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Nghị định quy định giá đất tính tiền sử dụng đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi cho tổ chức kinh tế có đất ở thu hồi là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đáng chú ý, Nghị định số 88 quy định bồi thường đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm nhà ở có vi phạm về đất đai, đã có nhà ở, đã sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993 được bồi thường đất bằng diện tích thực tế bị thu hồi, nhưng không vượt quá hạn mức công nhận đất ở.
Thửa đất có nhà ở đã sử dụng ổn định đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014 thì diện tích đất được bồi thường bằng diện tích đất thực tế bị thu hồi, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm nhà ở mà lấn đất, chiếm đất sau ngày 1/7/2014 không bồi thường về đất.
Theo nhận định của các chuyên gia, quy định mới tại Nghị định số 88 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giải phóng mặt bằng, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời tăng cường sự minh bạch và công bằng trong quá trình bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giúp người dân bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống.