Gỡ vướng thủ tục đầu tư nhà ở xã hội

Trong kiến nghị mới nhất gửi Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ra hàng loạt bất cập liên quan chính sách tài chính, thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân trên địa bàn thành phố...
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cùng chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc khu dân cư Tân Thuận, quận 7.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cùng chủ đầu tư khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc khu dân cư Tân Thuận, quận 7.

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố khoảng 244.550 căn, trong khi thành phố dự kiến chỉ xây dựng được khoảng 30.500 căn. Nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2026-2030 là 239.100 căn, khả năng cung ứng của thành phố khoảng 50.000 căn hộ.

Đến cuối năm 2025, có khoảng 274.150 công nhân có nhu cầu nhà lưu trú (tương đương 68.538 phòng), thành phố cũng chỉ có khả năng cung ứng 4.500 phòng cho công nhân thuê. Giai đoạn 2026-2030, nhu cầu 71.288 phòng, khả năng cung ứng của thành phố chỉ 8.000 phòng cho công nhân thuê...

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội hiện chưa được vay ưu đãi với lãi suất 4,8% theo quy định; quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rắc rối hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, luật cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần”, tuy nhiên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án nhà ở xã hội do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt. Từ đó, dẫn đến hồ sơ không được giải quyết kịp thời do phải chờ đợi thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 rất nhiêu khê.

Hiện tại, thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục mà dự án nhà ở thương mại không phải thực hiện, gồm: Xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, sau đó thực hiện thủ tục miễn tiền sử dụng đất; thẩm định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội; xác nhận đối tượng. Như vậy, số lượng thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia...

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời bố trí vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua; tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, muốn thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thì yếu tố then chốt vẫn là đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng. Do vậy, trong kiến nghị, thành phố mong muốn Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội. Trường hợp vượt thẩm quyền, kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.

Hiện, một số dự án phát triển nhà ở thương mại, phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha đến dưới 10ha xin điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện, thì khi thực hiện điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án theo pháp luật về đầu tư, kiến nghị vẫn thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật tại thời điểm được chấp thuận đầu tư trước đây.

Về hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội, đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 2ha đến dưới 10ha, thực tế, các dự án này quỹ đất 20% tại dự án để bố trí nhà ở xã hội là tương đối nhỏ, quy mô nhà ở xã hội không lớn, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng cao khiến giá thành căn hộ tăng lên, người có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở. Do đó, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho chủ đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền tương đương giá trị 20% đất của dự án, có thể xây dựng nhà ở xã hội trên 20% đất dự án hoặc có thể bàn giao quỹ nhà tương đương giá trị 20% quỹ đất.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Khiết, trong thời gian chờ Trung ương ban hành các chính sách mới, trong phạm vi thẩm quyền, Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực cải thiện thủ tục đầu tư. Theo đó, quy định thời gian thực hiện thủ tục không quá 153 ngày làm việc đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của doanh nghiệp đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp dự án nhà ở xã hội xây dựng trên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất công), được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, thì yêu cầu thêm bước đánh giá năng lực của chủ đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, thời gian thực hiện tối đa 318 ngày.

Thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính cho người có thu nhập thấp vay tạo lập nhà ở. Hạn mức vốn vay là 900 triệu đồng và không quá 70% giá trị căn nhà, căn hộ. Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm, lãi suất 4,7%/năm...