Gỡ vướng cho nhà nhỏ hơn quy định trong giấy phép xây dựng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tồn tại trình trạng có hàng ngàn căn nhà không được cấp chủ quyền (sổ hồng) vì diện tích thực tế, chiều cao, số tầng nhỏ, thấp hơn quy định trong giấy phép xây dựng. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm nhưng đến nay các cơ quan chức năng ở thành phố vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Một căn nhà trên đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận 10 chưa được cấp chủ quyền vì diện tích nhỏ hơn quy định trong giấy phép xây dựng. (Ảnh Việt Hoa)
Một căn nhà trên đường Ni Sư Huỳnh Liên, quận 10 chưa được cấp chủ quyền vì diện tích nhỏ hơn quy định trong giấy phép xây dựng. (Ảnh Việt Hoa)

Theo thống kê từ Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 5.000 trường hợp xây dựng nhà có diện tích nhỏ hơn quy định trong giấy phép xây dựng đang được rà soát để xử lý. Trong đó có cả trường hợp xây dựng giảm diện tích 0,1m2 cũng không được hoàn công cấp sổ hồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, ngày 27/11/2017 của Chính phủ chỉ đề cập trường hợp xây sai so với giấy phép xây dựng thì phải xử phạt vi phạm hành chính và tháo dỡ công trình. Trong quá trình giải quyết hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã xác định công trình xây dựng nhỏ hơn quy định trong giấy phép xây dựng là sai phép và đã có văn bản đề nghị cơ quan quản lý xây dựng có ý kiến. Tuy nhiên, giữa các cơ quan quản lý của thành phố cũng có quan điểm khác nhau.

Tháng 3/2020, để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp giấy chủ quyền nhà ở đối với các công trình sửa chữa, cải tạo, xây mới nhà ở riêng lẻ có diện tích nhỏ hơn, chiều cao thấp hơn hoặc số tầng ít hơn so với giấy phép xây dựng nếu thỏa mãn ba điều kiện: Không làm thay đổi chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng được cấp; không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực công trình và không thuộc trường hợp điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, thời điểm đó, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai vẫn không thực hiện được vì không biết cơ quan nào sẽ xác nhận ba điều kiện nêu trên để làm cơ sở cấp giấy chủ quyền.

Tiếp đó, Sở Xây dựng thành phố xác nhận cơ quan chịu trách nhiệm xác nhận ba điều kiện trên là Thanh tra xây dựng địa bàn đối với nhà ở riêng lẻ ngoài quy hoạch 1/500 và Thanh tra xây dựng có ý kiến với nhà xây dựng trong quy hoạch 1/500. Thế nhưng, với hướng dẫn này, các địa phương vẫn mỗi nơi làm một kiểu. Có nơi, khi chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển hồ sơ qua lấy ý kiến thì Thanh tra xây dựng địa bàn không xác nhận, không phản hồi hoặc phản hồi chậm.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố có báo cáo gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng còn thiếu tính thống nhất, đồng bộ của cơ quan có ý kiến. Một số nơi chuyển hồ sơ cho Thanh tra xây dựng địa bàn, một số nơi thì chuyển hồ sơ cho Phòng Quản lý đô thị. Chưa kể, văn bản hướng dẫn cũng thiếu tính phối hợp trong xử lý. Khi chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển hồ sơ tới cơ quan chức năng lấy ý kiến, nơi tiếp nhận hồ sơ giải quyết, nơi tiếp nhận nhưng không có ý kiến, không trả lời. Đó là chưa kể hướng dẫn thiếu quy định về thời gian xử lý nên dẫn đến tình trạng hồ sơ bị kéo dài hoặc không giải quyết, gây bức xúc cho người dân...

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng và báo cáo kết quả thực hiện cho thành phố. Theo ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, hiện, Sở Xây dựng đã nhận được báo cáo tổng hợp của thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, Sở cũng đang hoàn thiện để báo cáo UBND thành phố. Tuy nhiên, quan điểm của Sở Xây dựng không xem việc xây nhà nhỏ hơn quy định trong giấy phép là vi phạm xây dựng, cho nên giải quyết hồ sơ để tránh thêm thủ tục rườm rà.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều địa phương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã linh động giải quyết hồ sơ cho dân theo những cách khác nhau. Đơn cử như tại quận 1, khi có hồ sơ giảm diện tích xây dựng so với giấy phép thì quận 1 đã cử cán bộ đến tận nơi thẩm định, nếu công trình không ảnh hưởng đến các công trình lân cận, không tác động đến chỉ tiêu quy hoạch thì đề xuất qua chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đồng ý điều chỉnh lại giấy phép xây dựng.