Gỡ vướng cho các dự án giao thông PPP đầu tư dở dang

Do vướng quy định về pháp lý, trong đó có Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không làm dự án BOT trên đường hiện hữu cho nên hàng chục dự án giao thông quan trọng theo mô hình PPP của Thành phố Hồ Chí Minh đã ngưng trệ nhiều năm liền, chờ nguồn vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Sau 5 năm tạm dừng, cầu Tân Kỳ-Tân Quý vừa được xây dựng trở lại nhờ chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Sau 5 năm tạm dừng, cầu Tân Kỳ-Tân Quý vừa được xây dựng trở lại nhờ chuyển đổi hình thức đầu tư từ BOT sang sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Ủy ban nhân nhân thành phố đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này, cho nên một số dự án đã dần có lối ra, khởi động trở lại, tạo liên thông kết nối ở các khu vực cửa ngõ.

Dự án đầu tiên chuyển từ BOT sang vốn ngân sách

Tái khởi động xây dựng vào tháng 6, công trình cầu Tân Kỳ-Tân Quý, quận Bình Tân được Thành phố Hồ Chí Minh cấp kinh phí 491 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để tiếp tục xây dựng sau 5 năm tạm ngưng thi công.

Trước đó, công trình được khởi công vào đầu năm 2018 với vốn đầu tư là 312 tỷ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Tuy nhiên, khi xây dựng được 70% thì công trình đã tạm ngưng, vì chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp với Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không làm dự án BOT trên đường hiện hữu.

Nhìn công trường đã nhộn nhịp thi công trở lại, ông Nguyễn Văn Hay, nhà ở gần công trình phấn khởi: "Hằng ngày đi qua thấy công trường im ắng, quây tôn bịt kín nay được mở ra thi công cấp tập, máy móc tập kết về đây, người dân ai cũng mong công trình sớm hoàn thành, có cầu mới đi lại thuận tiện hơn, tránh tình trạng nhếch nhác do công trình bị ngưng trệ kéo dài".

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) Lương Minh Phúc cho biết: "Chúng tôi phấn đấu hoàn thành công trình cầu Tân Kỳ-Tân Quý vào cuối năm nay, còn dự án mở rộng đường Tân Kỳ-Tân Quý dự kiến xong vào tháng 10. Cầu và đường Tân Kỳ-Tân Quý khi hoàn thành sẽ hình thành trục giao thông kết nối Quốc lộ 1 đến trung tâm thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất, giải quyết bài toán kết nối giao thông đi lại khu vực cửa ngõ thành phố. Cầu Tân Kỳ-Tân Quý còn có một ý nghĩa rất đặc biệt là công trình đầu tiên của thành phố chuyển đổi phương thức từ BOT sang đầu tư công".

Tương tự, dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn hai), hợp đồng BOT giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng công ty Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố (CII) ký năm 2018, tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng cũng phải dừng chờ chuyển hình thức đầu tư, do dự án làm BOT trên đường hiện hữu. Công trình gồm hạng mục nâng cấp một số đường quanh Bến xe Miền Ðông (quận Bình Thạnh), mở rộng cầu Ông Dầu ở Quốc lộ 13 (thành phố Thủ Ðức)... Trong đó, CII đã hoàn thành nhánh cầu Ông Dầu và chi một phần đền bù giải tỏa đường Ung Văn Khiêm.

Ðại diện CII chia sẻ: "Dự án chậm trễ không chỉ khiến nhà đầu tư mà cả thành phố cũng chịu thiệt. Vốn sở hữu doanh nghiệp bỏ ra nằm chờ, chưa lấy lại được, trong khi phần vay ngân hàng phát sinh lãi thành phố phải chi. Vì vậy, nhà đầu tư hy vọng thành phố sớm giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp thu hồi vốn".

Cân đối vốn từ Nghị quyết 98/2023/QH15

Theo thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 dự án giao thông có chủ trương thực hiện theo hình thức đối tác công-tư, PPP nhưng do vướng về thủ tục đầu tư, khung pháp lý cũng như nguồn vốn thực hiện cho nên phải tạm ngưng. Trong khi hầu hết đây là những dự án quan trọng, góp phần phát triển hạ tầng giao thông, cải thiện bộ mặt đô thị.

Ðơn cử, dự án cầu đường Bình Tiên được Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt chủ trương đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) năm 2018. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu cấp bách về kết nối giao thông từ trung tâm thành phố với Quận 8, huyện Bình Chánh và khu đô thị phía nam; đồng thời, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường trong khu vực, tăng cường liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và cửa ngõ phía tây đi các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận chủ trương dừng thực hiện dự án BT này vào năm 2022.

Hiện nay, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên được thực hiện theo hình thức BOT tại Nghị quyết số 79/NQ/HÐND ngày 18/9/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch thực hiện dự án này. Dự kiến quý III/2025 sẽ lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án PPP. Ðến quý IV/2025 hoặc quý I/2026 sẽ khởi công dự án cầu đường Bình Tiên.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Quận 8 nhận định: Việc thành phố quyết định tiếp tục thực hiện dự án cầu đường Bình Tiên vẫn theo phương thức PPP sẽ tạo điều kiện cho dự án chuyển động, mang lại một công trình giao thông cần thiết cho địa phương, qua đó, giúp phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Theo Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên tắc chuyển giao các dự án dở dang là cần có báo cáo đánh giá khối lượng, chất lượng về quá trình thực hiện vì đây là cơ sở thực hiện thanh, quyết toán quá trình thực hiện cũng như cơ sở pháp lý khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa hai bên. Ngoài ra, trong trường hợp thành phố tổ chức đấu thầu các khu đất nằm trong hợp đồng BT theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng để thanh toán cho nhà đầu tư, thì nên ưu tiên chọn nhà đầu tư cũ ký hợp đồng BT trong trường hợp họ cùng các doanh nghiệp khác tham gia đấu thầu, mà họ (nhà đầu tư từng ký hợp đồng BT) bỏ thầu đồng giá.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố cho rằng: Thành phố có hai nhóm hợp đồng (BT, BOT) thực hiện dở dang hoặc đã phê duyệt chủ trương chuyển qua xem xét sử dụng nguồn vốn ngân sách, vì vướng các quy định pháp lý. Trong đó, khó khăn lớn nhất là cơ sở pháp lý để thanh toán giá trị đất của hợp đồng BT cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã cho cơ chế để thành phố thực hiện và tháo gỡ cho nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án này. Về nguồn vốn để tiếp tục thực hiện các dự án dở dang, thành phố sẽ phải tính toán cân đối, trường hợp dự án phù hợp kêu gọi nhà đầu tư theo phương thức PPP, thành phố cũng nên sớm có tiêu chí để nhà đầu tư tham gia, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Cũng theo ông Phúc, với dự án cầu Tân Kỳ-Tân Quý tạm dừng thời gian rất lâu, nay tái khởi động nhờ chuyển đổi hình thức đầu tư, xem như chưa có tiền lệ và đây là bài học kinh nghiệm để chủ đầu tư và thành phố nghiên cứu thực hiện các dự án tương tự, giải tỏa được điểm nghẽn hiện nay.