Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung Bộ và tiếp đó là Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Sau 18 năm thực hiện, đến nay các tỉnh Nam Trung Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trong những năm gần đây, vùng duyên hải Trung Bộ được đánh giá là một trong những vùng có tốc độ thu hút đầu tư phát triển nhanh. Hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước được các địa phương rất quan tâm triển khai thực hiện. Các kết quả thu hút đầu tư ở vùng bước đầu cũng cho thấy có sự liên kết, phân bổ lĩnh vực thu hút đầu tư phù hợp với đặc thù và lợi thế của từng địa phương.
Trọng điểm thu hút đầu tư
Về vốn đầu tư thực hiện, tính đến năm 2021, tổng vốn đầu tư vùng duyên hải Trung Bộ đạt hơn 138,7 nghìn tỷ đồng, tăng 63 nghìn tỷ đồng so năm 2017. Trong đó, Ninh Thuận là địa phương có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về thu hút đầu tư, bình quân đạt 41,8%/năm giai đoạn 2017-2021. Tỷ trọng vốn đầu tư của tỉnh Ninh Thuận trong tổng vốn đầu tư của Tiểu vùng tăng từ 8,42% năm 2017 lên 18,65% năm 2021. Trong vùng chỉ có Phú Yên là có quy mô vốn đầu tư thấp nhất với 18,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,62% của vùng.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm tháng 5/2022, toàn vùng có 383 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. So năm 2015 thì số dự án tăng lên là 85 và tổng vốn đăng ký tăng 403 triệu USD. Các địa phương Khánh Hòa, Ninh Thuận là hai địa phương có quy mô vốn đăng ký tăng khá nhanh trong thời gian qua.
Để có được kết quả này, các địa phương nỗ lực cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông. Sự kết nối hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa các địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Đặc biệt, hệ thống giao thông quốc gia kết nối giữa các địa phương được quan tâm đầu tư và các địa phương cũng từng bước xây dựng các đề án liên kết phát triển.
Trong thời gian qua, hệ thống giao thông kết nối vùng duyên hải Trung Bộ được đầu tư rất tốt, các tuyến đường huyết mạch quốc gia được quan tâm đầu tư như hầm đường bộ Đèo Cả kết nối giữa Phú Yên và Khánh Hòa tạo điều kiện để giảm thiểu thời gian và rủi ro di chuyển như trước đây. Các tuyến đường kết nối Tiểu vùng với khu vực phía nam, khu vực Tây Nguyên và vùng Kinh tế trọng điểm miền trung đều được quan tâm đầu tư. Các dự án này đều được phối hợp triển khai tốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng và địa phương. Các dự án đường cao tốc dọc theo các địa phương cũng đã từng bước xem xét quy hoạch và triển khai thực hiện.
Đối với hệ thống cảng biển, trên địa bàn tiểu vùng Nam Trung Bộ hiện có hai cảng biển đang hoạt động. Cảng Nha Trang là một trong ba cảng có lưu lượng hàng hóa thông qua cảng lớn nhất ở vùng Trung Bộ năm 2015. Cảng Bình Thuận có khối lượng hàng hóa tăng vượt bậc, trung bình tăng 17,08%/năm giai đoạn 2015-2019, chủ yếu nhờ tăng khối lượng nhập khẩu các công nghệ, thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo trong hai năm 2018 và 2019. Những nỗ lực của các địa phương thuộc tiểu vùng Nam Trung Bộ đã góp phần thực hiện đạt nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Qua báo cáo của tỉnh Phú Yên cho thấy, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2005-2020 đạt 8,3%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Quy mô nền kinh tế năm 2020 tăng gấp 3,66 lần so năm 2004. Văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của bà con nhân dân ngày càng được nâng cao; kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhất là hạ tầng giao thông phát triển đáng kể; nhiều công trình, dự án quan trọng hoàn thành và đưa vào sử dụng; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Đến nay, về cơ bản Phú Yên có nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa có những bước tiến đáng kể.
Thiếu liên kết vùng tạo động lực
Nhưng thực tế cũng cho thấy, cùng với những kết quả đạt được thì vẫn còn khá nhiều hạn chế, vướng mắc trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới; trong đó rõ rất là tính liên kết vùng còn lỏng lẻo, chưa tạo được động lực thúc đẩy phát triển trong từng tiểu vùng cũng như toàn khu vực.
Có thể thấy rõ qua liên kết về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Để đào tạo nhân lực phục vụ quá trình phát triển, các tỉnh thuộc Tiểu vùng trong thời gian qua không ngừng phát triển về số lượng, nâng cấp các cơ sở đào tạo từ đại học đến cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề. Ba trong bốn tỉnh thuộc Tiểu vùng có trường đại học. Tất cả các tỉnh trong khu vực đều có trường cao đẳng và các trường đào tạo nghề.
Đến nay, toàn tiểu vùng Nam Trung Bộ có 10 trường đại học, ba trường cao đẳng, 10 trường cao đẳng nghề, hai cơ sở đào tạo khác đặt cơ sở đào tạo tại các địa phương. Trong đó, các trường tập trung chủ yếu ở tỉnh Khánh Hòa với tổng số 14 trường đại học và cao đẳng, cao đẳng nghề. Liên kết đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở tiểu vùng chủ yếu được triển khai ở hai phương diện gồm liên kết giữa các cơ sở đào tạo với nhau và liên kết giữa cơ sở đào tạo và địa phương/doanh nghiệp.
So tiêu chí về tỷ lệ đào tạo nhân lực của Quỹ dân số Liên hợp quốc: 1 đại học và cao đẳng; 4 trung cấp; 10 công nhân kỹ thuật, thì tiểu vùng đang mất cân đối trong đào tạo, khi phần lớn các cơ sở đào tạo tập trung chủ yếu vào nhóm đại học, cao đẳng. Đối với các cơ sở dạy nghề, nhóm các ngành nghề được nhiều cơ sở lựa chọn đào tạo nhất là: y tế, du lịch-khách sạn-nhà hàng, kế toán, xây dựng... Trong khi đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu ngành nghề trong toàn tiểu vùng, xuất hiện ngày càng nhiều ngành, nghề mới đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao. Mặc dù các cơ sở đào tạo đã chú trọng vào xu hướng chuyển biến này nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt là các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa.
Điều này thể hiện tính liên kết giữa cơ sở đào tạo và nhu cầu xã hội (đơn vị sử dụng lao động) chưa cao. Hình thức đào tạo hiện tại chủ yếu mang tính chất đại trà, theo nhu cầu của người học hơn là theo nhu cầu của đối tượng sử dụng. Do vậy, nguồn nhân lực của tiểu vùng thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng, điều này thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp của tiểu vùng tương đối cao, 3,16% trong năm 2020.
Trong khi đó, sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo với nhau chưa được chú trọng đúng mức. Trong tiểu vùng có nhiều ngành, nghề có thể liên kết với nhau để đào tạo, nhưng thực tế cho thấy chưa có sự liên kết đào tạo giữa các trường đại học, cao đẳng trong tiểu vùng, kể cả trong tỉnh.
Về liên kết khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian qua, cũng chưa được các địa phương trong tiểu vùng quan tâm và phối hợp triển khai. Đơn cử như cơ chế hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các địa phương trong vùng chưa hiệu quả, đã xuất hiện một số mâu thuẫn trong sử dụng nguồn nước do nguy cơ cạn kiệt nguồn nước. Việc liên kết trong quy hoạch sử dụng đất của vùng Trung Bộ và Tiểu vùng cũng chưa được đề cập như một nội dung bắt buộc trong việc đánh giá và lập các quy hoạch.
Điều này dẫn đến phân bố không gian sử dụng đất thiếu thống nhất giữa các tỉnh, vùng, gây ra tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả. Việc xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải phục vụ liên tỉnh, cấp vùng, liên đô thị và đô thị cũng như xây dựng khu xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại quy mô cấp vùng chưa được thực hiện. Hầu hết các khu chôn lấp, xử lý chất thải mới chỉ thực hiện ở quy mô cấp tỉnh với công nghệ lạc hậu.
Hoạt động liên kết giữa các địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu được triển khai cụ thể thông qua các chương trình, dự án hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế. Nhiều chương trình nghiên cứu khoa học về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học đã được tích cực triển khai. Kết quả đã đóng góp không nhỏ vào việc ứng dụng, triển khai các kết quả, tiến bộ khoa học công nghệ trong giám sát, phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường tại các địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu các chính sách, quy định cụ thể để giải quyết các vấn đề liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc giám sát thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường liên tỉnh, liên vùng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chưa triệt để. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ liên ngành, liên vùng, sự quản lý thống nhất, mang tính hệ thống khi tổ chức thực hiện ngăn ngừa và khắc phục các sự cố ô nhiễm môi trường.
Khảo sát từ thực tế còn cho thấy, việc chạy theo các lợi ích phát triển kinh tế giữa các địa phương đã làm cho liên kết vùng bị suy giảm, đây là những nguyên nhân chủ quan. Các địa phương đều đặt mục tiêu trở thành trung tâm, động lực phát triển, đều lấy kinh tế biển làm định hướng phát triển. Các địa phương trong tiểu vùng đều đẩy mạnh phát triển du lịch biển, phát triển cảng biển, phát triển các ngành công nghiệp ven biển... điều này sẽ làm phá vỡ đi sự phân bố sản xuất kinh doanh để tạo ra chuỗi liên kết phát triển.
Vì vậy, để đánh giá kết quả liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian qua; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; đề xuất các quan điểm, giải pháp, cơ chế, chính sách, thu hút nguồn lực (tài chính, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực...) nhằm thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung trong bối cảnh mới cần có sự tham gia đóng góp ý kiến tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương; cấp ủy, chính quyền các địa phương trong khu vực và các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp... hoạt động trong lĩnh vực này.