Bên cạnh những mặt đã đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện với một lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2017, một số quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng đã không còn phù hợp sự thay đổi của thực tiễn.
Đồng thời, Nghị quyết số 42 sau hơn sáu năm thí điểm cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh cần được rà soát hoàn thiện thêm.
Nợ xấu có chiều hướng gia tăng
Nghị quyết số 42 đã góp sức không nhỏ hỗ trợ hệ thống tổ chức tín dụng đẩy nhanh tốc độ xử lý, góp phần hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho công tác xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp hai lần so cuối năm 2021.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu gộp lần lượt giảm từ 2,5% và 10,1% năm 2016 xuống còn 1,6% và 4,4% năm 2019. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng các điều kiện vĩ mô không thuận lợi trên phạm vi toàn cầu như xung đột Nga-Ukraine, môi trường lạm phát và lãi suất cao, sức cầu suy giảm mạnh,… cũng như các vấn đề nội tại nền kinh tế Việt Nam đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, làm tăng khả năng gia tăng nợ xấu lên hệ thống ngân hàng.
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp hai lần so cuối năm 2021.
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết số 42 bắt đầu có hiệu lực.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đánh giá, chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng hơn 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%.
Trong khi đó, Tiến sĩ Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành đã chủ động, quyết liệt ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, dự báo nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có thể còn tăng trong năm 2023 khi rủi ro tín dụng gia tăng. Nguyên nhân do khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ những rủi ro còn lại của dịch Covid-19; khó khăn trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp; cùng với tình hình kinh tế trong nước, quốc tế khó khăn và mặt bằng lãi suất còn ở mức cao.
Chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
“Do vậy, trong bối cảnh thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 chỉ được kéo dài đến hết năm 2023, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm liên quan trong Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là cần thiết để tạo hành lang pháp lý bền vững xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo, nghiên cứu Ngân hàng BIDV phân tích.
Tránh tạo khoảng trống pháp lý
Hiện nay, nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng như sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng...
Đồng thời, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để bảo đảm có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án;…
Cũng liên quan vấn đề cần giải quyết dứt điểm hơn việc xử lý nợ xấu, ông Darryl Dong - cán bộ quốc gia cao cấp Chương trình Kiến tạo thị trường Việt Nam thuộc Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết: Cần nhìn nhận nợ xấu là nội dung quan trọng đối với nền kinh tế, là một phần của hoạt động sản xuất, kinh doanh và không có gì sai khi có nợ xấu.
Tuy nhiên, chúng ta cần một khung pháp lý, một chương trình để làm sạch nợ xấu thay vì che giấu. “Để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này cần tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tham gia giải quyết vấn đề nợ xấu. Muốn làm được như vậy, luật sửa đổi cần mở cửa mạnh mẽ cho các nhà đầu tư tham gia giải quyết nợ xấu. Đồng thời, phải nêu rõ, cho phép các tổ chức phi ngân hàng mua bán nợ xấu trực tiếp từ các ngân hàng”, ông Darryl Dong đề xuất.
Đồng tình với quan điểm cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào vấn đề giải quyết nợ xấu tại Việt Nam bởi họ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, có nguồn lực đầu tư, song Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cũng lưu ý, để thu hút được những nhà đầu tư này, Việt Nam cần có cơ chế cho người mua nợ kèm theo tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng được kế thừa hai quyền đặc biệt quan trọng là: tiếp tục được quyền thu giữ tài sản bảo đảm; tiếp tục được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, rộng hơn là được nhận thế chấp bất động sản đối với các công ty mua bán nợ của nước ngoài.
“Việc tiếp tục cho phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời cần được sửa trong Luật Đất đai năm 2023. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho thị trường xử lý nợ xấu nói chung mà còn ảnh hưởng quan trọng đến việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” - Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh thêm.