Nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ
Từ năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương tháo dỡ, xây mới chung cư Thanh Đa (Phường 27, quận Bình Thạnh) để chỉnh trang và phát triển đô thị. Thế nhưng đến nay, hàng nghìn người dân vẫn đang sống trong các căn hộ bị xuống cấp trầm trọng sau hơn 50 năm sử dụng.
Nhìn từng mảng tường bong tróc, ẩm thấp, ông Nguyễn Tâm Minh (ngụ tại số 102 lô H chung cư Thanh Đa) tâm sự, “Biết là nguy hiểm, nhưng mà mình cũng phải chịu, chứ biết đi đâu. Giờ chỗ nào trong cư xá cũng thấm và ẩm mốc hết. Mà nhà nào ẩm thấp thì tự bỏ tiền ra sửa. Khi nào nhà nước có kế hoạch giải tỏa và triển khai đến người dân thì mới tính đến chuyện rời đi”.
Tương tự, bà Đặng Thị Oanh (ngụ tại số 435 lô 9 chung cư Thanh Đa) chỉ vào những mảng tường bong tróc loang lổ giữa dãy hành lang tối om leo lét ánh đèn, nói: “Nhiều khi đang đi nó muốn rớt xuống là nó rớt, mình không biết đường mà tránh”.
Sống tại chung cư từ những năm 1990, bà Oanh chia sẻ, khoảng 7-8 năm trước, phần lớn các nhà của lầu 4 lô 9 đều bị thấm dột, sau đó phần mái được hỗ trợ làm lại và tình hình được cải thiện hơn. Hiện tại do chung cư xuống cấp nhiều, trần nhà bà Oanh xuất hiện những vết nứt cho nên thi thoảng vẫn bị rỉ nước. Hiện nay chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn mới bám trụ lại chung cư. “Giờ tôi chỉ mong mỏi Nhà nước tạo điều kiện cho người dân có ngôi nhà đàng hoàng để ở, cái đó là tốt nhất”, bà Oanh bộc bạch.
Bà Huỳnh Thị Út (ngụ tại số 412 lô 8 chung cư Thanh Đa) năm nay 80 tuổi chia sẻ: Dù biết chung cư đã xuống cấp nhưng nếu chuyển đi nơi khác lại có thể không tốt bằng nơi này. Hơn nữa, nhà bà Út thuộc diện gia đình khó khăn, các khoản phí phải đóng ở những khu chung cư mới như tiền điện, nước, vệ sinh, bảo vệ cũng khiến bà lo lắng.
Bà Huỳnh Thị Út bày tỏ: “Nếu được, tôi mong được tái định cư, còn nếu buộc phải đi nơi khác, tôi mong Nhà nước cần đền bù thỏa đáng cho người dân”.
Đồng quan điểm với bà Út, bà Nguyễn Thị Thúy Phượng (ngụ tại số 112 lô 8 chung cư Thanh Đa) cho biết, chung cư gần trường học, chợ, đi vào trung tâm nhanh chóng, thuận tiện cho người dân sinh hoạt. Nếu phải chuyển đi nơi khác dễ làm xáo trộn cuộc sống cho nên cần phải có sự đền bù hợp lý để người dân làm quen với cuộc sống mới.
Nhiều kỳ vọng
Nguyện vọng, ước muốn của những người dân trong chung cư Thanh Đa về một nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ cũng chính là mục tiêu mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu cơ chế ưu đãi cho nên công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế chung cư cũ mới dừng ở việc di dời, tạm cư cho người dân để bảo đảm an toàn.
Người dân sinh sống trong các chung cư cũ không chịu di dời vì phương án đền bù, tái định cư chưa phù hợp. Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vì khó giải phóng mặt bằng, lại không được ưu đãi về thuế, về quy hoạch. Chính quyền thiếu vốn, thiếu cả cơ chế để huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình) xuống cấp nghiêm trọng nhưng 10 năm người dân chưa được di dời. Người dân ở chung cư Vĩnh Hội (Quận 4) đang “sống trong sợ hãi” vì chung cư xuống cấp. Các chung cư như 440 Trần Hưng Đạo (Quận 1), 155-157 Bùi Viện (Quận 1); chung cư 6Bis Nguyễn Tất Thành và chung cư Trúc Giang (Quận 4); chung cư 119B Tân Hòa Đông (Quận 6); chung cư 137 Lý Thường Kiệt và chung cư 149-151 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình)… đều bế tắc khi triển khai cải tạo, xây mới.
Trước nút thắt ấy, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định số 98 hướng dẫn về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (có hiệu lực từ ngày 1/8/2024) được đánh giá sẽ tạo đột phá trong cải tạo chung cư cũ.
Phân tích về những điểm mới mang tính đột phá, Tiến sĩ Lê Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản L&L cho biết, đã luật hóa các cơ chế ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ như:
Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, kinh doanh diện tích nhà ở còn lại sau khi bố trí tái định cư, kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án, vay vốn ưu đãi; được địa phương hỗ trợ ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dự án và hưởng ưu đãi về thuế...
Chính phủ cũng đã cho phép doanh nghiệp thu gom các tòa chung cư cũ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để cải tạo, xây dựng lại riêng biệt do các hạn chế quy hoạch về chiều cao, dân số. Điều này tạo thông thoáng cho nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ.
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Luật nhà ở 2023, Nghị định số 98 chính là đòn bẩy để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Quy định mới đã cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở chung cư cũ được hưởng lợi nhuận từ 10-15%, không cố định 10% như trước đây. Doanh nghiệp được chọn làm chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ được đề xuất điều chỉnh dự án như tăng thêm số tầng dự án.
Đối với người dân sống trong các chung cư cũ, cơ chế mới cũng bảo vệ tối đa lợi ích cư dân. Ngoài chính sách bồi thường, hỗ trợ chung, cư dân ở tầng 1, tầng 2, căn góc các tòa chung cư cũ được ưu tiên mua, thuê phần diện tích kinh doanh khối đế tòa nhà mới để kinh doanh.
Quy định mới cũng quy định, chỉ cần khoảng 50% số hộ dân sống trong tòa chung cư cũ đồng ý thì sẽ thông qua phương án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Điều này sẽ giải quyết được tình trạng chín người, mười ý đang cản trở quá trình cải tạo chung cư cũ những năm qua…