Theo các chuyên gia kinh tế, kiến nghị của thành phố Hồ Chí Minh là đột phá, nếu được Chính phủ chấp thuận sẽ giúp thành phố tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở, đẩy nhanh tiến độ cấp chủ quyền nhà ở cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình xác định, thẩm định, quyết định giá đất để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và tính bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện theo đúng quy định tại Luật Ðất đai năm 2013 và các Thông tư, Nghị định. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các phương pháp thẩm định giá đất quy định tại Nghị định số 44/2014/NÐ-CP (ngày 15/5/2015 về giá đất) của Chính phủ và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT (ngày 30/6/2014) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phố đã gặp một số bất cập, khó khăn. Ðầu tiên là khó khăn về xác định, thẩm định, quyết định giá đất. Thông tư số 36 yêu cầu, việc xác định giá đất căn cứ vào việc thu thập thông tin của tối thiểu ba thửa đất có đặc điểm tương đồng với thửa đất cần định giá đã chuyển nhượng thành công hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong khoảng thời gian không quá hai năm tính đến thời điểm định giá đất để tính toán. Thế nhưng trên thực tế, do các giao dịch bất động sản tại Việt Nam chưa minh bạch, chưa có quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn giao dịch hay công ty môi giới; việc thanh toán tiền mua, bán bất động sản cũng không quy định phải qua ngân hàng và cũng chưa có quy định cụ thể về quản lý giá chuyển nhượng bất động sản… dẫn đến, giá giao dịch thực chưa thể hiện đầy đủ tại các hợp đồng mà chỉ có tính chất tương đối, chưa đủ độ tin cậy, chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực trên thị trường. Chính điều này đã dẫn đến các rủi ro là, sau khi nhà đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiến hành kiểm tra lại và thu thập thêm nhiều thông tin khác để nhận định việc xác định, thẩm định, quyết định giá đất cụ thể trước đây chưa phù hợp… Ðó là chưa kể, các đơn vị tư vấn thẩm định giá còn chịu sự ảnh hưởng bởi tác động từ nhiều yếu tố ngoại cảnh khách quan làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình thu thập thông tin, thời gian thực hiện chứng thư và kết quả xác định giá đất cụ thể.
Ngoài ra, cũng theo Nghị định 44, quy định về năm phương pháp thẩm định giá đất là so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất. Song, đối tượng, điều kiện áp dụng phương pháp định giá chưa được quy định cụ thể, nhiều trường hợp một thửa đất nếu áp dụng hai phương pháp định giá đất khác nhau sẽ cho ra kết quả định giá khác nhau. Thực tế đã có sự chênh lệch giữa các dự án có giá trị thửa đất hoặc khu đất dưới 30 tỷ đồng (áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh) và dự án có giá trị thửa đất hoặc khu đất từ 30 tỷ đồng trở lên (thặng dư, so sánh, thu nhập, chiết trừ), trong khi các khu đất, thửa đất ấy có vị trí liền kề. Vì những bất cập nêu trên, mặc dù thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực giảm thời gian thực hiện quy trình xác định giá đất cụ thể, nhưng thời gian thực hiện, luân chuyển hồ sơ để thực hiện các bước trong công tác xác định giá đất vẫn kéo dài, gây khó khăn tại các dự án nhà ở, làm mất cơ hội đầu tư của nhà đầu tư, làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố mong muốn Chính phủ đồng ý cho thành phố xây dựng và ban hành hệ số K để tính tiền sử dụng, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất chứ không chỉ áp dụng đối với các khu đất có giá trị tính theo bảng giá dưới 30 tỷ đồng như hiện nay. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất này được thực hiện, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có một hệ số K riêng cho các dự án bất động sản, song song với việc áp dụng hệ số K để tính tiền đại trà cho đại đa số hộ cá nhân, gia đình. Việc này sẽ giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính để xác định giá đất, thẩm định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dự án từ 3 đến 5 năm xuống chỉ còn khoảng 15 ngày làm việc.