Gỡ khó quy định về phòng cháy, chữa cháy

Những tiêu chuẩn, quy định mới về phòng cháy, chữa cháy của Nghị định số 136 gây nhiều khó khăn cho việc mở rộng, phát triển sản xuất của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, cơ quan chức năng ngay lập tức đã tìm cách tháo gỡ, cũng như có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp như "trút được gánh nặng" khi được tháo gỡ những khó khăn về quy định phòng cháy, chữa cháy. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cát Vạn Lợi, huyện Củ Chi.
Doanh nghiệp như "trút được gánh nặng" khi được tháo gỡ những khó khăn về quy định phòng cháy, chữa cháy. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cát Vạn Lợi, huyện Củ Chi.

Giữa tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba) tổ chức buổi gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm phổ biến Công văn số 1091. Tại đây, Phó Trưởng phòng Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh (PC07), Ðại tá Huỳnh Ngọc Quan cho biết: Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh về những khó khăn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ, ban, ngành phải có các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã thống nhất, ban hành các văn bản tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với công văn số 1091 về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đã đưa ra một số điểm mới trong quy chuẩn tiêu chuẩn xét duyệt phòng cháy, chữa cháy cho các doanh nghiệp hiện nay. Ðơn cử, đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn thời điểm đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh. Khuyến khích áp dụng phiên bản quy chuẩn mới, nếu điều đó có lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, còn tháo gỡ cho loại hình nhà phố chuyển công năng qua dịch vụ kinh doanh. Cụ thể, nếu nhà phố có quy mô nhỏ được trang bị hệ thống đầu phun nước chữa cháy, số người mỗi tầng không quá 20 người thì cho phép một lối thoát nạn, thay vì là hai lối như quy chuẩn mới. Ðặc biệt trong công văn lần này, ông Quan cho rằng, đối với việc thẩm định vật liệu xây dựng như vật liệu chống cháy... sẽ chuyển qua thẩm định đầu nguồn, tức ở phía nhà sản xuất và thẩm định theo lô, chứ không kiểm định ở đơn vị thi công, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, và rút ngắn thời gian kiểm định.

PC07 vừa có cuộc làm việc với hơn 400 đơn vị tư vấn thiết kế, thi công trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có 117.000 các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, các cơ sở được phân cấp theo quy mô để tiện cho việc quản lý. Cấp một là các cơ sở do công an quản lý, cấp hai là các cơ sở thuộc UBND xã, phường quản lý. "Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất việc thực hiện quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn chưa bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công an là không gây khó khăn cho cơ sở sản xuất mà sẽ linh động để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy để không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ những nơi có nguy cơ cao như karaoke, vũ trường... nếu không ngăn chặn ngay sẽ gây ra hậu quả thì mới đình chỉ, tạm đình chỉ, còn với doanh nghiệp sản xuất thì rất hạn chế và phải tính toán kỹ lưỡng"-ông Quan khẳng định.

Ðại diện các doanh nghiệp hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Công văn số 1091 như "phao cứu sinh" đã tháo gỡ nhiều khó khăn, cho phép cơ sở sản xuất xây dựng vào thời điểm nào thì được áp dụng theo quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đó. Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) Phạm Thị Hoàng Thắm chia sẻ: "Tết Nguyên đán là mùa cao điểm sản xuất nước giải khát của chúng tôi, nhưng chỉ hơi chút là bị lập biên bản. Chúng tôi mong muốn được tạo điều kiện để hoạt động thuận lợi. Ðồng thời, mong muốn được tập huấn về các quy định phòng cháy, chữa cháy vì nhiều khi không hiểu nên không biết áp dụng theo phương cách nào...". Còn theo đại diện Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp có dự án cải tạo nhà kho, nhưng sau khi được thiết kế các quy định phòng cháy, chữa cháy theo tiêu chuẩn mới, kinh phí lên đến năm tỷ đồng thay vì 800 triệu đồng như trước, doanh nghiệp không đủ nguồn lực thực hiện. "Vì thế, khi nghe nói các cơ sở sản xuất xây dựng vào thời điểm nào thì được áp dụng theo quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đó, công ty như "trút được gánh nặng" và mong muốn được thực hiện theo điều này"-đại diện Công ty TNHH Nidec Việt Nam bộc bạch.

Bày tỏ niềm vui vì các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy được tháo gỡ, tuy nhiên, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi vẫn băn khoăn, lo lắng vì văn bản này chỉ mang tính nội bộ. Nếu một, hai năm sau không còn hiệu lực, doanh nghiệp không biết xoay xở thế nào. "Rất mong ngành phòng cháy, chữa cháy kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền luật hóa dưới dạng thông tư" - bà Chi bày tỏ. Chủ tịch Huba Nguyễn Ngọc Hòa nhìn nhận: Cơ quan quản lý đã có sự lắng nghe đồng cảm và chia sẻ với doanh nghiệp trong việc sẽ hạn chế đình chỉ và tạm đình chỉ doanh nghiệp. Ðặc biệt, PC07 đã có tổ công tác đặc biệt để giải quyết khó khăn trong vấn đề phòng cháy, chữa cháy. Doanh nghiệp gặp khó hãy liên hệ tổ công tác, đường dây nóng thay vì nghe theo đơn vị thiết kế, tránh tình trạng xây rồi đập, tốn chi phí. "Doanh nghiệp đang rất khó khăn và đang tìm mọi cách để tồn tại. Chúng tôi mong rằng gỡ được cái khó nào thì mừng cái đó. Làm sao để công tác phòng cháy, chữa cháy an toàn, hiệu quả, giúp người lao động và doanh nghiệp có thể hiểu rõ những quy định mới về phòng cháy, chữa cháy, nhưng cũng giúp các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay"-ông Hòa nói.