Gỡ khó để bệnh viện tự chủ

Thực hiện cơ chế tự chủ, thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp với thực tế khiến cho việc tự chủ của nhiều bệnh viện gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn sau đại dịch.
0:00 / 0:00
0:00

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa có chuyến làm việc với một số bệnh viện về thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện giai đoạn 1/1/2020 đến 30/6/2022 và việc đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại bệnh viện giai đoạn trên. Theo đánh giá của các bệnh viện, việc được giao quyền tự chủ chi thường xuyên đã góp phần tiết kiệm phần nào cho nguồn ngân sách thành phố. Ưu điểm tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn; chủ động trong công tác khám, chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ đều cho rằng đơn vị đang gặp khó khăn về kinh phí đầu tư. Đứng trước yêu cầu phát triển chuyên môn, nâng hạng bệnh viện, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng đào tạo cán bộ, bệnh viện rất khó trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, giá thu hiện nay của bệnh viện áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế và với mức giá được tính 4/7 phần, ba phần còn lại (chi phí nhân sự gián tiếp, khấu hao thiết bị, máy móc, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng) chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá.

Việc này dẫn đến bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, không nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao. Các bệnh viện hiện nay khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng khi không có cơ chế riêng tuyển dụng bác sĩ có tay nghề. Nhiều kỹ thuật viên gây mê, phòng mổ được bệnh viện đào tạo, có chứng chỉ hành nghề chuyển qua bệnh viện tư làm, do thu nhập từ bệnh viện công không đáp ứng đủ mức sống. Bên cạnh đó, vấn đề tuyển dụng điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh cho bệnh viện hiện rất khó.

Trước những thách thức trên, nhiều bệnh viện kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm đối với người lao động trong cơ sở y tế. Bộ Y tế cần có hướng dẫn và quy định về định mức kinh tế kỹ thuật chung để bệnh viện làm căn cứ xây dựng giá dịch vụ. Bộ Tài chính nên điều chỉnh giảm tỷ lệ trích nguồn cải cách tiền lương theo quy định để giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị tự chủ; đồng thời kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện kết cấu chi phí vào giá thu theo lộ trình tính đúng, tính đủ giá viện phí, bổ sung chi phí đầu tư về công nghệ thông tin, bệnh án điện tử vào giá thu viện phí...

Ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19. Việc sớm tháo gỡ những vướng mắc cũng như có cơ chế tiếp sức, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp cho các bệnh viện có điều kiện tự chủ tốt hơn; nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân.