Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm tới 51% trong tháng 4, khiến Mỹ rớt xuống vị trí thứ 3 trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ chỉ đạt 418 triệu USD, giảm hơn 57% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc dù có tín hiệu tốt hơn, nhưng vẫn chưa ghi nhận được tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022, trong bốn tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Xuất khẩu thủy sản sang các nước Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia giảm mạnh là do lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể. Nhiều đơn hàng đã ký hợp đồng nhưng bị đẩy lùi, dẫn đến tồn kho, công suất kho lạnh không đủ trữ, sản xuất tôm cá của ngư dân bị đình trệ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản lại phải đối mặt với khó khăn về vốn. Cụ thể, về lãi suất ngân hàng, trước đây, các doanh nghiệp trong ngành chỉ vay USD với lãi suất khoảng 2,1%, hiện lên hơn 4%. Thiếu vốn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp tục thu mua nguyên liệu để chế biến các mặt hàng xuất khẩu. Ngoài ra, các chi phí về sản xuất, vận chuyển như phí container neo ở mức cao vẫn là những trở ngại lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản từ đầu năm tới nay...
Nhiều giải pháp gỡ "thẻ vàng" trong đánh bắt thủy sản
Ðể tập trung tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu thủy sản, VASEP đã kiến nghị Bộ Công thương có ý kiến với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; rà soát các thủ tục và xem xét các gói tín dụng có ý nghĩa cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này như gói 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp phục vụ thu mua nguyên liệu tôm cá, hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp trong việc duy trì sản xuất; đồng thời, cho phép các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng với các khoản vay đến lịch phải trả trong quý I và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu đầu năm.
Ðối với từng thị trường cụ thể, cần có những giải pháp riêng, tháo gỡ khó khăn cả trước mắt và lâu dài. Ví như thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa và luôn có nhu cầu nhập khẩu rất lớn thủy sản cho cả tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, cần có sự quan tâm, đánh giá và phối hợp giữa các ngành, địa phương để xây dựng một chiến lược dài hạn nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu thủy sản.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng cần nâng tầm sản phẩm từ chất lượng đến thương hiệu, đáp ứng xu thế mới của người tiêu dùng toàn cầu. Ðiều này không chỉ giúp các sản phẩm thủy sản Việt Nam vượt qua khó khăn hiện tại mà còn tạo ra chuỗi giá trị toàn cầu cho ngành trong tương lai...