Gỡ khó cho mạng di động ảo

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà mạng di động ảo đang thổi luồng gió mới vào thị trường viễn thông Việt Nam vốn đã dần bão hòa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc thuê hạ tầng, mua lưu lượng từ các doanh nghiệp viễn thông có sẵn hạ tầng mạng, dẫn đến thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam chậm phát triển, dịch vụ cung cấp tới người dùng cũng bị hạn chế một phần.
0:00 / 0:00
0:00
Kỹ sư của VNPT kiểm tra, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Kỹ sư của VNPT kiểm tra, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) là mô hình doanh nghiệp không sở hữu hạ tầng mạng lưới viễn thông, thay vào đó sẽ mua cả gói lưu lượng lớn truy cập dịch vụ mạng của một nhà mạng khác có hạ tầng và cung cấp dịch vụ di động với giá bán lẻ riêng tới khách hàng. Phần chênh lệch giữa giá bán buôn cả gói lưu lượng lớn và giá bán lẻ tới khách hàng chính là lợi nhuận mà các nhà mạng di động ảo có được.

Chậm phát triển

Theo các chuyên gia, với mô hình mạng di động ảo, doanh nghiệp có thể ngay lập tức bước vào thị trường kinh doanh mạng di động mà không tốn chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời tiết kiệm được thời gian. Các nhà mạng ảo có thể cung cấp dịch vụ và thu lợi nhuận từ những thị trường ngách, nhóm khách hàng nhỏ mà nhà mạng lớn khó “với tới”. Ở chiều ngược lại, sự ra đời của nhà mạng di động ảo cũng mang lại nhiều yếu tố tích cực cho doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng nhờ việc bán lại phần lưu lượng chưa sử dụng sẽ giúp họ chia sẻ chi phí vận hành và nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư. Chính vì vậy, dù mới xuất hiện từ khoảng những năm 1990 tại Anh, nhưng mạng di động ảo đã nhanh chóng nở rộ tại nhiều quốc gia khác.

Theo thống kê, trên thế giới hiện đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp mạng di động ảo đang hoạt động tại 79 quốc gia; trong đó, châu Âu có 585 mạng; châu Á-Thái Bình Dương có 129 mạng... Một số quốc gia có thị phần các doanh nghiệp mạng di động ảo lớn có thể kể đến như Nhật Bản: 83 doanh nghiệp (chiếm gần 11% toàn thị phần), Anh: 77 doanh nghiệp (chiếm 15,9% thị phần); Mỹ: 139 doanh nghiệp (chiếm 4,7% thị phần); Đức: 135 doanh nghiệp (chiếm 19,5% thị phần);…

Trong khu vực, không ít quốc gia cũng có thị trường mạng di động ảo phát triển, mang đến nhiều dịch vụ mới cho người sử dụng như Thái Lan có 12 doanh nghiệp, Malaysia có tám doanh nghiệp,… Tại Việt Nam, mãi đến năm 2019, mạng di động ảo đầu tiên là Itelecom mới có mặt trên thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, cũng mới chỉ có sáu doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ mạng di động ảo với thị phần không đáng kể (số lượng thuê bao của các nhà mạng di động ảo hiện khoảng 2,65 triệu, chiếm 2,1% tổng số thuê bao toàn thị trường).

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên nhân chính của việc thị trường mạng di động ảo ở Việt Nam chậm phát triển là do các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thuê hạ tầng, mua lưu lượng; cơ sở đàm phán giá thuê hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông chưa hoàn chỉnh... Để mở cửa thị trường và thúc đẩy cạnh tranh, Luật Viễn thông năm 2009 đã có quy định tại Điều 14 về việc doanh nghiệp sở hữu hạ tầng viễn thông có quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp viễn thông khác thuê cơ sở hạ tầng để cung cấp dịch vụ; đồng thời, đã hình thành thị trường bán buôn lưu lượng.

Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp mạng di động ảo đã phải mất nhiều thời gian để đàm phán thành công giá mua buôn lưu lượng. Do đó, việc đưa ra các quy định đầy đủ, cụ thể hơn về cho thuê hạ tầng, minh bạch giá bán buôn lưu lượng nhằm giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường mạng di động ảo phát triển là hết sức cần thiết.

Bổ sung các quy định cần thiết

Phát triển các mạng di động ảo sẽ giúp tạo ra sân chơi mới, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng hạ tầng đã đầu tư của các doanh nghiệp thiết lập mạng di động mặt đất lên ít nhất 10%. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, mô hình mạng di động ảo có thể giúp triển khai nhanh các dịch vụ viễn thông trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên cũng như sẽ mang lại giá trị mới cho khách hàng.

Tuy nhiên, các mạng di động ảo vẫn bị phụ thuộc rất nhiều vào các nhà mạng có hạ tầng. Nếu thị trường vẫn tồn tại tình trạng “cửa trên, cửa dưới” như vậy rất có thể sẽ phát sinh tiêu cực. Hơn nữa, mô hình mạng di động ảo vẫn còn khá mới ở Việt Nam và cần phải hoàn thiện chính sách quản lý để thúc đẩy cạnh tranh. Chính vì vậy, trong dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp sở hữu hạ tầng viễn thông trong việc công bố giá bán buôn lưu lượng, giá cho thuê hạ tầng để minh bạch thông tin.

Bên cạnh đó, hiện đang có hai cách xác định giá bán buôn của doanh nghiệp viễn thông là dựa vào cách tính giá thành của dịch vụ hoặc chênh lệch với giá bán lẻ cho người sử dụng. Mặc dù cũng đã có quy định về việc xác định giá thành của từng dịch vụ viễn thông nhưng thực tế triển khai thời gian qua vẫn khó thực hiện, do đó cần bổ sung các quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Cũng theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc bổ sung các quy định nêu trên sẽ giúp thị trường lưu lượng viễn thông cả bán buôn và bán lẻ đều được quản lý thống nhất theo nguyên lý quản lý cạnh tranh chung. Khi các quy định này càng rõ ràng, minh bạch thì công tác quản lý cạnh tranh càng thuận lợi và hiệu quả, từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường mạng di động ảo, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư của khối tư nhân vào thị trường viễn thông, góp phần mở cửa cho các doanh nghiệp mạng di động ảo phát triển thuận lợi vì có khung giá rõ ràng, làm cơ sở đàm phán với doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng. Tất cả các yếu tố này sẽ thúc đẩy thị trường viễn thông ngày càng phát triển, các doanh nghiệp viễn thông dưới sức ép cạnh tranh mới sẽ tập trung cung cấp đa dạng sản phẩm, từ đó, người sử dụng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ mới với giá cước phù hợp.