Vừa phòng chống dịch vừa “chia lửa”
“Có giấy rồi” - chiếc xe máy chưa chạm ngõ, bà Lê Thị Thanh ở thôn Thạch Bi 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ reo lên. Ông Võ Liêm bật dậy cười trong niềm vui của bà chị già. “Đơn xin mở cửa hoạt động sản xuất” có con dấu đỏ chót của phường vừa được đóng chưa ráo mực, bà Thanh giữ chặt trên tay như sợ gió cuốn bay đi. Vậy là sau chuỗi ngày ngủ không yên giấc, hàng chục tấn hàng hải sản tươi lẫn khô của bà đã có lối thoát. Giọng run lên, bà Thanh chực khóc.
Tàu thuyền xa bờ hoạt động cầm chừng nên từ đầu năm đến giờ, Cơ sở chế biến hải sản Thanh Mẫn của bà Thanh cũng thu mua xuất khẩu cầm chừng. Cố gắng lắm, bà cũng duy trì hoạt động để có thu nhập cho gần 50 nhân công. Dịch bùng phát ở miền biển Sa Huỳnh nhanh như cơn lốc. “Đóng cửa” ngăn chặn dịch lan cộng đồng, gần 50 tấn mực tươi lẫn khô cất tạm trong kho hàng lạnh chờ lối đi.
Gõ cửa địa phương sở tại nhờ trợ giúp, chuyến xe chở 17 tấn hàng mực đen xuất khẩu của bà Thanh cũng được rời bến đi cửa khẩu Móng Cái, trong điều kiện an toàn phòng dịch. Không thể thông thương, sau gần một tuần đến nơi và chờ đợi, xe hàng lầm lũi quay về. Dịch Covid-19 vùng tâm dịch Sa Huỳnh vẫn khó lường cũng là nỗi lo sợ của bà Thanh khi hải sản ứ đọng hư hỏng dần. Nếu không có lối mở, số hàng hải sản gần 10 tỷ đồng đổ sông biển. Chạy lên xuống phường bao bận, hiểu thấu bất an khối tiền tỷ, phường Phổ Thạnh cho phép cơ sở bà hoạt động trở lại. Bà Thanh nghẹn ngào được an ủi lúc khốn đốn nhất.
“Kho lạnh này chỉ âm 16 độ, hài sản tươi không để lâu được. Nếu để quá hai tuần sẽ hư hết. Mấy anh địa phương cũng lo cùng, tạo điều kiện nhiều. Cho phép tôi đưa hàng đi, không được thì xe quay về. Giờ thì cho cơ sở tôi hoạt động với điều kiện phải bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Tôi sẽ bố trí cho công nhân ăn ở tại chỗ để an toàn cho mọi người. Khoảng mươi lăm công nhân, mình tổ chức ăn ở tại đây, không đi ra ngoài cộng đồng nguy hiểm. Các anh em tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì mình phải có trách nhiệm trong lúc này”, bà Lê Thị Thanh rơm rớm nước mắt.
Xuất hiện ca mắc Covid-19 ở trung tâm xã Bình Châu, ngay trong đêm tuyến đường chính đi cảng sa Kỳ bị phong tỏa. Có 17 bến tàu cùng 20 cơ sở thu mua, sơ chế thủy hải sản tươi ứ đọng lượng lớn hàng hóa chưa kịp tiêu thụ. Khoanh vùng, cách ly xã Bình Châu cũng kịp gỡ thông tuyến cho bà con vùng cảng chuyên hải sản. Lượng hàng hóa hải sản tồn đọng được khử khuẩn, kiểm tra y tế chuyển ra bên ngoài chốt cách ly có đội trung chuyển đưa đi tiêu thụ. Hơn 70 tấn hải sản tươi cập bến tàu được giải phóng nhanh chóng với các biện pháp an toàn nghiêm ngặt vùng cách ly. “Mình ở trong khu cách ly bao lâu cũng được nhưng hàng hóa đã mua chuyển ra ngoài cho khách hàng mình yên tâm ở lại. Nếu để vài ngày thì đổ hết. Ở đây ai cũng lo sợ dịch nhưng được giúp cả tiêu thụ hàng thì mừng chứ”, ông Võ Duy Bạch thôn Định Tân, xã Bình Châu tâm tư.
“Trong điều kiện cụ thể tại cơ sở và tình hình dịch thì chúng tôi hỗ trợ hết sức cho bà con, các cơ sở kinh doanh hải sản. Chúng tôi giải quyết cụ thể, phù hợp từng lúc để vừa bảo đảm phòng dịch vừa giúp người dân chuyện mua bán, tiêu thụ hàng tồn”, Bí thư Đảng ủy phường Phổ Thạnh Nguyễn Thịnh nói.
Vẫn còn những lo toan
Là thị xã sầm uất phía nam tỉnh Quảng Ngãi, Đức Phổ là thị tứ phát triển kinh tế biển trọng yếu. Nhiều công trình bến cảng, đê kè trọng điểm Mỹ Á, Sa Huỳnh phục vụ cho hậu cần nghề cá, an cư an toàn cho mấy mươi nghìn hộ dân sinh sống lâu đời bên cửa biển Sa Huỳnh. Dịch Covid-19 đến, đời sống dân sinh, buôn bán kinh doanh, thi công hạ tầng trọng điểm vùng dịch bị ngưng trệ.
Sau hơn 10 ngày giãn cách, nét lo âu đọng trên những gương mặt của kỹ sư, công nhân trên công trường Chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh. Công trình đầu tư theo lệnh khẩn cấp, hơn 1.000 m tuyến đê kè trọng yếu bảo vệ hàng trăm hộ dân ven biển. Các hạng mục đóng cọc cừ, đổ cấu kiện, cọc bê tông thi công bờ, chân kè… đạt 25% khối lượng, nỗ lực chạy đua hoàn thành trước mùa mưa bão. Phong tỏa vùng tâm dịch, công trường đứng im sau gần 2 tháng thi công. Hơn 13.000 m3 vật tư các loại, 1.800 tấn sắt thép, xi-măng và hàng nghìn cọc trụ chưa thể di chuyển qua các trạm chốt vào công trường. Hết vật tư, thiếu thiết bị thi công gần 130 kỹ sư, công nhân đứng nhìn công trình dở dang đang bị những cơn sóng biển động chực nuốt chửng. “Những ngày trước chưa có vật tư nên tất cả phải dừng thi công. Các phần việc nào tranh thủ được thì chúng tôi cố làm nhanh nhất. Hiện số ít vật tư, thiết bị vào thi công nhưng vẫn còn lo ngại. Nếu không hoàn thành sớm thì sóng lớn lôi hết cả công trình này ra biển, lấn sâu nguy hiểm dân cư ở đây”, ông Trương Điền, Chỉ huy trưởng công trường lo lắng.
Công trình chống sạt lở bờ biển kéo dài qua phường Phổ Thạnh, xã Phổ Châu - tâm dịch tỉnh Quảng Ngãi. Chia cắt bởi điểm chốt phòng dịch Covid-19, ngay trên công trường, anh em nhân công khó khăn qua lại để di chuyển, nâng cao thiết bị ngâm trong lòng biển sau nhiều ngày áp thấp nhiệt đới. Vùng cửa biển nơi này chịu sự ảnh hưởng trực tiếp từ sóng biển cực đoan khi mùa mưa bão hay thời tiết bất thường. Vì thế, công trình thi công dở dang nguy cơ theo ngọn sóng mùa mưa sắp đến. “Hạng mục chúng tôi thi công dài 200 m, bên Phổ Thạnh 100 m, bên Phổ Châu 100 m nhưng bị chia cắt bởi điểm chốt ranh giới hai tâm dịch. Chúng tôi xin qua chốt để di chuyển máy móc thiết bị dưới biển lên bờ cũng gặp khó khăn do thực hiện quy định phong tỏa. Chúng tôi mong muốn được cho phương tiện cần thiết, vật tư vào công trường. Đơn vị cam kết thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch và chi phí y tế, xét nghiệm cũng như quy định cần thiết nhất chúng tôi sẵn sàng thực hiện”, anh Nguyễn Văn Phòng, Chỉ huy trưởng kỹ thuật công trình khẳng định.
Dịch về xứ biển Bình Châu, Sa Huỳnh, Mỹ Khê… tỉnh Quảng Ngãi trầm uất, vắng lặng như chưa từng đông đúc, rộn ràng vốn có. Sau 10 ngày cách ly tránh dịch Covid-19, phát sinh nội tại hiển hiện dần. Bên trong những căn nhà kín cửa giãn cách, tiếng thở dài chất chứa. Ở yên trong nhà nhưng tinh thần của nhiều gia đình đặt ngoài bến bãi. Thị xã Đức Phổ có 1.670 tàu thuyền, cùng 8.500 lao động sống nhờ vào nghề biển. Biển dừng, nhà đóng cửa là bấy nhiêu nỗi lo từ tàu lẫn lao động các làng chài.
Từ sáng sớm đến trưa, anh Võ Bé ở thôn Thạch Bi 2, phường Phổ Thạnh loay hoay dọn dẹp trên con tàu QNg 98299 TS. Phi thùng đựng dầu cùng lưới, thúng từ dưới tàu anh chuyển dần lên trên cầu chở về nhà cất giữ. Vật dụng trên tàu ngổn ngang sau đêm chìm bên bờ biển. Neo bờ bốn tháng sau chuyến làm ăn thua lỗ, chưa kịp xoay trở dịch giã đến khiến anh chới với. Mấy ngày đóng cửa phòng dịch Covid-19, con tàu 430Cv chìm khi bị sóng đánh trôi. Thuê người mượn máy bơm hút nước từ trưa đến đêm, khối tài sản trị giá 3,5 tỷ đồng được trục vớt. Hệ thống máy tàu tháo rã chuyển lên bờ để khôi phục. Nước tràn tàu, chín bồn chứa cùng 10.000 lít dầu hoàn cùng biển nước lẫn lộn. Cắt dây, tháo máy cứu tàu anh Bé muốn vớt vát đôi chút. Ở miền biển, ghe cộ, tàu thuyền là nguồn sống của anh Bé cũng như bao ngư dân Quảng Ngãi.
“Mình cập tàu bên cái ghe kia cũ quá nên mưa xuống nước biển dâng làm chìm ghe kéo theo tàu mình luôn. Ghe 7-9 bồn nước tràn vô mình phải xuống cắt dây cho nước chảy ra. Máy điện, bình điện, máy móc nhúng nước biển hư hết mình phải tháo nhỏ đưa lên bờ khắc phục lại. Nhưng có nước mặn cũng hư à. Giờ tháo hết ra làm tới đâu hay tới đó chứ biết sao”, anh Bé buồn bã.
Hạn chế thiệt hại kép
Dịch giã không lường trước được. An toàn cho nhân dân là ưu tiên hàng đầu. Và trong thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng dịch, khó tránh được những phát sinh nội tại. Đời sống, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ nguy cơ để lại những hệ luỵ sau đó. Ngăn chặn bệnh lây lan phải song hành gỡ khó để hạn chế thiệt hại kép, vơi gánh nặng cho chính quyền cơ sở và người dân. Tùy diễn biến của dịch Covid-19 ở các địa phương, tỉnh Quảng Ngãi áp dụng biện pháp thấu đáo, cặn kẽ trên nền tảng an toàn vùng dịch và song hành gỡ khó đời sống an sinh từ cơ sở.
Bí thư thị xã Đức Phổ Nguyễn Kiên cho biết, mùa vụ chế biến, thu hoạch hải sản, nông sản của người dân cũng là nỗi lo khi dịch Covid-19 đến. Trong 6 tháng dầu năm, hơn 43.000 tấn hải sản đánh bắt nuôi trồng, 1.500 tấn dưa hấu cùng chăn nuôi, rau màu mùa thu hoạch cần được tiêu thụ, xuất khẩu. Chủ động gỡ khó theo đặc thù vùng tâm dịch, chính quyền địa phương huy động lực lượng tiếp sức cùng nhà nông.
“Phòng, chống dịch là quan trọng nhất và tuỳ tình hình thực tế chúng tôi lên phương án, xin ý kiến tỉnh để hỗ trợ người dân giải quyết hải sản, nông sản tại chỗ. Anh em huy động lực lượng tại chỗ để thu hoạch cho dân. Thông qua các đầu mối phân phối như siêu thị, đơn vị thu mua để bán giúp cho bà con. Giải quyết chuyện sản xuất, trồng trọt kinh tế của người dân khi dịch kéo dài cũng là điều quan trọng với vùng tâm dịch Đức Phổ”.
Liên tục 176 ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng, khu cách ly cùng 2.500 trường hợp cách ly phòng bệnh, tỉnh Quảng Ngãi thay đổi nhiều biện pháp đặc thù để ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh hưởng đời sống thu nhập của người dân là điều khó tránh khỏi. Và lựa chọn những giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ vướng mắc để hạn chế khó khăn cho người dân trong và sau mùa dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng, vừa giãn cách có kết quả vừa hỗ trợ cho bà con nhân dân giải quyết khó khăn trước mắt và lâu dài. Các biện pháp hỗ trợ phù hợp, cần thiết phù hợp cơ sở để mang lại hiệu quả hơn. “Người lao động nghèo, vùng nông thôn, công nhân và nhiều thành phần khác gặp khó khăn, không xoay trở kịp khi dịch kéo dài. Đặt mình vào vị trí người dân khó thật sự để đồng hành, chia sẻ các biện pháp hỗ trợ tốt nhất có thể. Tùy diễn biến dịch bệnh mà tỉnh sẽ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tại thời điểm. Ưu tiên sản xuất, tiêu thụ nông sản, hải sản… đang mùa thu hoạch cùng nhiều chính sách khác được thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh khẳng định.