Giúp trẻ mồ côi vượt qua nghịch cảnh

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ em ở huyện Bình Chánh nói riêng và TP Hồ Chí Minh nói chung mất cha, mất mẹ hoặc mất cả cha lẫn mẹ. Để giúp các em vượt qua nghịch cảnh này, các địa phương, tổ chức, các nhà hảo tâm đã và đang chung tay, góp sức chăm lo, hỗ trợ các em tiếp tục đến trường.

Lãnh đạo huyện Bình Chánh thăm và tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo huyện Bình Chánh thăm và tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn huyện.

Dịch Covid-19 như cơn cuồng phong càn qua, quét lại và đã cướp đi người cha thân thương của ba chị em Thúy Quỳnh (học lớp 5), Thúy Tiên (học lớp 3) và Quốc Huy (học mầm non). Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay cha mất, mọi gánh nặng mưu sinh chỉ còn mẹ của các em gánh vác. Hiện, ba chị em Thúy Quỳnh đang ở nhà thuê cùng mẹ tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Do dịch Covid-19, mẹ của Thúy Quỳnh, trước đây phụ việc nhà cho người khác và nhập số liệu thuê cho công ty, cũng mất việc làm nhiều tháng nay.

Cha mất cũng do mắc Covid-19 đầu tháng 8 vừa qua, mẹ lại bỏ đi 10 năm nay, 5 anh em Minh Tài đang được chị Ánh Nguyệt (chị cả trong gia đình) chăm sóc tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh. Minh Tài năm nay học lớp 12, còn em nhỏ nhất là Trí Bảo học lớp 6. “Nếu lâu dài lo cho 5 đứa em ăn học chắc chịu không nổi đâu. Tôi cũng có gia đình và có 4 đứa con nữa. Do dịch bệnh tôi đã mất việc bốn tháng nay rồi. Giờ cha mất rồi cũng chẳng biết làm sao”, chị Ánh Nguyệt ngập ngừng nói.

Minh Tài và em ruột Minh Đức đang học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh. Trung tâm tìm nhiều cách hỗ trợ cho hai em vượt qua khó khăn. Thầy Huỳnh Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh cho biết: Trước mắt, Trung tâm hỗ trợ điện thoại di động thông minh để học trực tuyến; hỗ trợ tiền, dụng cụ học tập, gạo, nhu yếu phẩm để động viên, khuyến khích các em vươn lên trong cuộc sống. Về lâu dài, Trung tâm sẽ tìm các nhà hảo tâm lo chi phí học tập cho hai em và nếu các em đỗ đại học, các nhà hảo tâm có thể tiếp tục hỗ trợ học phí cho các em. Nhiều năm qua, Trung tâm cũng thực hiện mô hình này để giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ lo cho các em ăn học, kể cả lo học phí đến khi tốt nghiệp đại học.

Ba chị em Thúy Quỳnh và 5 anh em Minh Tài nằm trong số hơn 110 em mồ côi do đại dịch Covid-19 tại huyện Bình Chánh. Để động viên các em vượt qua mất mát, tiếp tục vươn lên học tốt, sống tốt, thành người có ích cho xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh vừa ban hành kế hoạch thực hiện mô hình “Trao gửi yêu thương” chăm sóc trẻ em huyện Bình Chánh bị mồ côi do dịch Covid-19. Mục đích của kế hoạch là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phát huy truyền thống nghĩa tình, chung tay chăm sóc, giáo dục trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. Mô hình “Trao gửi yêu thương” sẽ đồng hành, hỗ trợ các em đến khi hoàn thành chương trình phổ thông, tạo động lực cho các em vào đại học, học nghề tự tin bước vào đời. Mô hình này cũng đặt ra mục tiêu không để trẻ em bị mồ côi do dịch Covid-19 nào ở huyện Bình Chánh thiếu ăn, thiếu mặc, không có người chăm sóc, không được học tập, vui chơi và phát triển lành mạnh. Thực hiện mô hình này, huyện Bình Chánh vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm lo cho các em đến khi các em tròn 18 tuổi, hoàn thành chương trình phổ thông và có thể hoàn thành chương trình đại học, giáo dục nghề nghiệp nếu có khả năng. Các nhà hảo tâm cũng có thể thực hiện mở sổ tiết kiệm cho từng em, có ủy thác sử dụng theo từng năm; hoặc đóng góp trực tiếp cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Bình Chánh để quản lý và chi hỗ trợ hằng năm cho các em... 
 
Trước thực trạng có hơn 1.500 học sinh mồ côi cha, mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ do Covid-19 trên địa bàn thành phố, mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi các sở, ngành; 21 quận, huyện và TP Thủ Đức về hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho trẻ em mồ côi. Thành phố yêu cầu các quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo các phường, xã, thị trấn khẩn trương khảo sát nguyện vọng từng trường hợp, tổng hợp báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tham mưu cho thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức quản lý, chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng; chủ trì vận động các đoàn thể ở địa phương, các tổ chức, cá nhân có tâm nguyện tham gia thiện nguyện với nhiều hình thức khác nhau tùy theo khả năng của mình...