Giúp trẻ biết khoan dung, tha thứ

Trong cuộc sống, ai chẳng có lúc phải bực mình, cáu giận vì lỗi của người khác. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách khoan dung, tha thứ, nhất là với trẻ thì lại càng khó khăn, điều đó đòi hỏi ở các bậc cha mẹ trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn cho các em, từ những khoan dung, tha thứ nhỏ trong gia đình đến những khoan dung, tha thứ lớn hơn, rộng hơn ngoài xã hội.

Con trẻ thường xử sự thế nào?

Nếu không được giảng dạy, tư vấn, một đứa trẻ sẽ phản ứng một cách rất tự nhiên, bản năng đó là cáu giận, khó chịu. Trong suy nghĩ và hành động của trẻ khi ấy là phải làm cho người mắc lỗi bị mọi người cùng chê cười, cùng chứng kiến; để cho người mắc lỗi phải xấu hổ. Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ còn coi việc người khác mắc lỗi là niềm vui của mình, là chứng tỏ người ấy kém mình, mình ngoan hơn, tốt hơn, nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo hơn... Các bậc cha mẹ không ít lần chứng kiến trẻ tranh nhau kể tội người khác với thái độ gần như là vui mừng...

Những trẻ mạnh mẽ hơn, còn có thể có những suy nghĩ, hành động tiêu cực như chửi rủa, phá hỏng đồ chơi của bạn, cào cấu, đánh bạn... Không ít các trường hợp đánh nhau mà nguyên nhân do trẻ không khoan dung, tha thứ lỗi lầm cho bạn.

Phản ứng của những trẻ như vậy thật là nguy hiểm. Khi trẻ luôn thể hiện như vậy sẽ ngày càng có ít bạn, bị bạn bè xa lánh... Trong khi độ tuổi các em là tuổi chơi, tuổi học, các mối quan hệ với bạn bè là vô cùng cần thiết.

Cha mẹ phải làm gì?

Nhiều bậc cha mẹ đã không có ý thức giáo dục trẻ biết khoan dung, tha thứ. Có người còn vui vẻ kể chuyện với hàng xóm: "Thằng cu nhà tôi ấy à, khỏi lo bị bạn bè bắt nạt, hôm rồi ở lớp mẫu giáo, thằng bé lớn tuổi hơn không cho nó chơi cùng thế mà nó dùng thước kẻ đánh cho bươu đầu đấy?"...

Chúng ta đều biết rằng muốn trẻ có những suy nghĩ, việc làm tích cực, biết khoan dung, tha thứ một cách đúng đắn, thì cha mẹ có vai trò quan trọng. Cha mẹ phải là tấm gương, là người thầy, là người bạn giúp trẻ thấy rõ cần phải xử sự như thế nào khi bạn bè mắc lỗi với mình.

Trước tiên , cha mẹ phải giúp trẻ nhận thấy ai cũng có lúc sai, có những lỗi lầm và mọi người đều muốn được khoan dung, tha thứ, được sửa sai, chuộc lỗi.

Thứ hai , cha mẹ phải giúp trẻ hiểu bản chất của lỗi lầm đó có đáng được khoan dung, tha thứ không? Cần phải dạy trẻ cách nhận biết lỗi lầm đó xuất phát từ động cơ nào, nếu chỉ là do vụng về, chưa hiểu biết mà mắc lỗi, hoặc chỉ là những đùa nghịch không có dụng ý xấu thì việc khoan dung, tha thứ là cần thiết. Nếu lỗi lầm có dụng ý xấu xảy ra nhiều lần... thì thông báo với người lớn (người có trách nhiệm) và tránh tiếp xúc với người đã mắc lỗi với mình.

Thứ ba , cha mẹ cũng phải giúp trẻ biết cách khoan dung, tha thứ như thế nào là tốt nhất. Phải làm sao để người mắc lỗi biết mình buồn và thất vọng về lỗi lầm của họ; có ý thức sửa chữa, không phạm những lỗi lầm đó nữa.

Thứ tư , cha mẹ phải chủ động về việc khoan dung tha thứ cho trẻ nếu trẻ có lỗi lầm và đòi hỏi trẻ cách xử sự như vậy khi bố mẹ có lỗi... Hãy cùng trẻ trò chuyện để cả bố mẹ và con trẻ thấy hết các khía cạnh nội dung, tình huống dẫn đến lỗi lầm, cũng như những tình cảm, tâm tư của mỗi người khi được khoan dung, tha thứ.