Giúp nông dân hưởng lợi lâu dài từ đất lúa

Năm 2023, giá lúa tăng cao giúp người trồng lúa tỉnh Tiền Giang có lợi nhuận khá, tích cực đầu tư quay vòng sản xuất. Thu hoạch lúa xong là tiến hành cày ải, làm đất và xuống giống ngay. Thậm chí, nhiều người không còn quan tâm đang sản xuất vụ nào trong năm...
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Tiền Giang làm đất xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024.
Nông dân tỉnh Tiền Giang làm đất xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024.

Từ thực trạng nêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tăng cường tập huấn nhằm thay đổi tư duy trong sản xuất lúa của nông dân, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng lúa gạo, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Sản xuất lúa liên tục

Trong năm 2023, giá lúa luôn giữ ở mức khá cao, lợi nhuận người trồng tăng khoảng 10 triệu đồng/ha so với các vụ trước đây. Thêm vào đó, nước lũ không nhiều và hệ thống đê bao khép kín, tạo thuận lợi để nông dân xuống giống liên tục. Kết thúc vụ lúa này, chủ ruộng lại tất bật xuống giống ngay vụ mới để tranh thủ bán được giá cao. Thậm chí, ngành nông nghiệp đưa ra khuyến cáo vụ lúa có thể bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, nhưng người dân vẫn bất chấp.

Vùng Ngọt hóa Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang là nơi chịu tác động trực tiếp bởi hạn, mặn hằng năm. Có năm, nông dân mất trắng vụ lúa do không theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Năm nay, địa phương tiếp tục khuyến cáo nông dân không nên xuống giống lúa vụ đông xuân 2023-2024 trễ vụ. Tuy nhiên, nông dân vẫn gieo sạ hàng nghìn héc-ta lúa.

Tại huyện Gò Công Tây, nhiều nông dân sau khi thu hoạch lúa vụ thu đông năm 2023 lập tức cày xới đất để gieo sạ vụ đông xuân 2023-2024. Gia đình ông Nguyễn Văn Nhỏ, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây đã xuống giống 1 ha vụ lúa đông xuân 2023-2024 cho biết: “Nhiều đời nay, nông dân chúng tôi dựa vào cây lúa để nuôi sống gia đình. Mấy năm nay, giá lúa tăng cao, người dân thu lợi nhuận khá. Từ đó, cuộc sống của người dân dần cải thiện so với trước đây. Chính vì vậy, nông dân phải tận dụng cơ hội. Mặc dù ngành nông nghiệp và địa phương có khuyến cáo cần chuyển đổi cơ cấu từ cây lúa sang cây trồng khác để thích ứng với hạn, mặn, song chúng tôi không có nhiều vốn để chuyển đổi, kinh nghiệm trồng các loại rau màu khác cũng chưa có. Nhiều hộ phải cố gắng bám trụ với cây lúa, mặc dù chúng tôi biết rằng, trồng lúa liên tục sẽ gây bạc màu đất và sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều”.

Trước những dự báo về hạn, mặn mùa khô 2023-2024 diễn ra gay gắt, ngành nông nghiệp tuyên truyền, vận động những hộ dân đã xuống giống vụ lúa thu đông 2023 thì không xuống giống lúa đông xuân 2023-2024. Bởi, nếu xuống giống vụ đông xuân ở thời điểm đầu tháng 12/2023 thì nguy cơ thiếu nước ngọt sản xuất rất cao nhưng nhiều nông dân không làm theo khuyến cáo.

Tại vùng trồng lúa trọng điểm ở các huyện, thị xã phía tây của tỉnh Tiền Giang, hệ thống đê bao ngày càng khép kín, nước lũ không về. Vì vậy, nông dân tranh thủ xuống giống lúa liên tục các vụ trong năm. Bà Lê Thị Hồng Loan, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) có 1,2 ha đất sản xuất.

Vụ lúa đông xuân 2023-2024 sắp đến ngày thu hoạch, nhìn trà lúa trên đồng, bà Loan nói: “Nước lũ không về, không có phù sa bồi đắp cho đồng ruộng. Thêm vào đó, sản xuất lúa liên tục, sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa tăng 10-20% so với mùa lúa trước. Vụ đông xuân này, năng suất ước đạt khoảng 6,5 tấn/ha, thấp hơn 2-2,5 tấn/ha so với vụ đông xuân các năm trước”.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, tỉnh Tiền Giang có diện tích đất trồng lúa khoảng 130.000 ha (tính ba vụ lúa/năm), sản lượng gần 800.000 tấn. Năm 2023, giá lúa cao hơn 1.500-2.500 đồng/kg so với các năm trước đây, nông dân trồng lúa lợi nhuận khoảng 26-32 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 8,7 triệu đồng/ha/vụ so với năm 2022.

Điều này khiến nông dân nôn nóng xuống giống liên tục để bán được giá cao. Trước dự báo hạn, mặn phức tạp, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân ngưng vụ lúa thu đông 2023 và gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024 sớm để bảo đảm an toàn cho sản xuất. Tuy vậy, nhiều diện tích vẫn xuống giống lúa thu đông 2023 rồi tiếp tục xuống giống lúa đông xuân 2023-2024 trễ vụ, bất chấp khuyến cáo từ ngành nông nghiệp và địa phương. Ngoài ra, để tăng năng suất, người dân có tâm lý sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, ô nhiễm môi trường và suy thoái đất đai.

Hướng đến phát triển bền vững

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để đạt năng suất và sản lượng cao, gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã tập trung định hướng cho nông dân trồng lúa nâng cao năng suất đi đôi với bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn cho rằng: “Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp và để bảo đảm sản xuất vụ lúa an toàn, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã triển khai sớm kế hoạch sản xuất các vụ lúa hằng năm phù hợp thời tiết, khí hậu, thủy văn. Trong đó, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý, cụ thể cho các vùng sản xuất, bảo đảm không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn, lũ. Ngoài ra, ngành đã ban hành nhiều văn bản và tổ chức làm việc trực tiếp, đề nghị địa phương chỉ đạo sản xuất, chủ động theo dõi sát các diện tích xuống giống ngoài lịch khuyến cáo”.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa và hạn chế lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong quá trình sản xuất, tỉnh Tiền Giang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tích cực áp dụng các quy trình sản xuất lúa bền vững, chú trọng sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý sâu bệnh hại theo hướng tổng hợp; giảm phân bón, thuốc hóa học trên cây lúa nhằm giúp giảm chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.

Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân tích cực áp dụng quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng thu nhập cho người dân từ việc bán rơm, trồng nấm... hạn chế ảnh hưởng xấu đến đất trồng như: tình trạng ngộ độc hữu cơ do vùi rơm vào ruộng ngập nước hoặc đốt đồng trong điều kiện thời gian nghỉ giữa các vụ ngắn.

Nhờ công tác tuyên truyền và tập huấn thường xuyên, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã áp dụng các biện pháp cải tạo độ phì nhiêu đất lúa. Trong đó chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ, luân canh lúa với cây màu nhằm hạn chế được sâu bệnh hại và cải tạo độ phì của đất lúa.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, để cây lúa Tiền Giang phát triển bền vững, nông dân có lợi nhuận cao, đất đai hạn chế bạc màu, sâu bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tổ chức sản xuất lúa với cơ cấu giống phù hợp, tuân thủ nghiêm lịch thời vụ; có kế hoạch chăm sóc cây lúa trong điều kiện bất lợi và ứng dụng công nghệ số trong quản lý sâu bệnh hại như: hệ thống bẫy đèn thông minh, bản tin thời tiết nông vụ nhằm hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.