Giúp nhân dân Ðồng Xuân an cư, lạc nghiệp

Ngôi nhà thuộc Chương trình 134 được xây mới ở buôn Kỳ Đu (Xuân Quang 2).
Ngôi nhà thuộc Chương trình 134 được xây mới ở buôn Kỳ Đu (Xuân Quang 2).

Cùng với việc tạo thêm quỹ đất sản xuất, đất ở, nguồn cung cấp nước sạch... Ban Chỉ đạo Chương trình 134 ở Ðồng Xuân rất quan tâm xóa nhà tạm, "ngói hóa" nhà ở cho 760 hộ nghèo.

Huyện miền núi Ðồng Xuân có 1.937 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với gần 8.300 người, chiếm 14,5% số dân toàn huyện. So với các huyện miền núi khác của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số ở Ðồng Xuân đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60%.

Qua điều tra của Phòng Dân tộc huyện, ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có 740 hộ thiếu đất sản xuất, 985 hộ thiếu nước sinh hoạt, 473 hộ thiếu đất ở và 782 hộ còn nhà ở tạm bợ bằng tranh tre nứa lá hoặc chưa có nhà ở. Tất cả những trường hợp nói trên được huyện đưa vào kế hoạch thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ giai đoạn 2005-2006 với nhu cầu vốn đầu tư 7,7 tỷ đồng.

Theo đề án đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt, bên cạnh hỗ trợ sáu triệu đồng cho mỗi  hộ tự xây dựng nhà ở, Ðồng Xuân còn lập năm dự án khai hoang đất sản xuất (185 ha), bốn dự án mở rộng đất ở cho dân với diện tích 9,4 ha, xây dựng bốn công trình cấp nước tập trung, đào thêm 50 giếng nước ở cụm dân cư và hỗ trợ 124 hộ khác tự giải quyết nước sinh hoạt.

Thực hiện Chương trình quốc gia này, UBND huyện Ðồng Xuân đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch hằng năm, trong đó, việc hỗ trợ bà con xây dựng nhà được huyện ưu tiên giải quyết nhằm tạo điều kiện cho người dân "an cư, lạc nghiệp", yên tâm làm ăn. Do vậy, trong năm đầu triển khai thực hiện Chương trình 134, Ðồng Xuân dành 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ 520 hộ nghèo xóa nhà ở tạm bợ. Năm vừa qua, có thêm 240 hộ nữa được giúp đỡ xây dựng nhà ở. Như vậy, đến nay toàn huyện đã có 760 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được "an cư" trong những ngôi nhà mới, đạt gần 97,2% mục tiêu đề ra.

Nếu trong năm đầu, nhiều hộ còn trông chờ vào Nhà nước, khoán trắng việc xây dựng nhà cho địa phương, thì năm sau bà con đã có ý thức hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước nên chủ động đóng góp thêm công sức để chăm chút cho ngôi nhà của mình thêm khang trang, rộng rãi. Trưởng phòng Dân tộc huyện, Phạm Văn Trung cho biết: Tất cả các nhà xây có diện tích tối thiểu 28 m2, hơn 85% số hộ đã góp thêm tiền lát nền nhà bằng gạch men, trong đó có 15% số nhà ở, nhà có giá trị hơn 20 triệu đồng.

Khi được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, đã có không ít hộ bán bớt đàn bò để góp thêm tiền xây nhà kiên cố trị giá trên dưới 30 triệu đồng, như nhà của Y Nõn ở buôn Suối Mây (Xuân Phước), La O Trung ở thôn Kỳ Ðu (Xuân Quang 2)... Gặp chúng tôi, già làng Ma Hiếu ở buôn Kỳ Ðu (Xuân Quang 2) phấn khởi khoe: "Toàn thôn có 57 hộ thì có đến 41 hộ được hỗ trợ xây dựng lại nhà ở. Có thể nói, hôm nay Kỳ Ðu được "ngói hóa". Nếu không có Chương trình 134 thì không biết đến bao giờ đồng bào ở đây mới xóa hết được những ngôi nhà tạm bợ.

Bên cạnh việc cải thiện nhà ở, giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là vấn đề còn nhiều khó khăn đối với nhiều địa phương do quỹ đất có hạn, kinh phí hỗ trợ thấp (5 triệu đồng/ha). Song, Ðồng Xuân cũng đã triển khai khá thành công nhiệm vụ này.

Trong hai năm qua, huyện đã thực hiện ba dự án khai hoang được 42 ha đất tại các thôn Suối Cối 2 (Xuân Quang 1), Phú Lợi và Phú Ðồng (Phú Mỡ) để cấp cho 150 hộ thiếu đất sản xuất với mức bình quân 500 m2/người. Bên cạnh đó, Phòng Dân tộc huyện còn sử dụng lồng ghép vốn các chương trình định canh, định cư, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, cung cấp cho bà con giống cây trồng, phân bón và hướng dẫn sản xuất. Nhờ đó, những hộ thiếu đất sản xuất thuộc các thôn nói trên vừa có thêm đất canh tác, vừa biết thâm canh cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Ðối với đất ở, Ðồng Xuân đã thực hiện được hai dự án mở rộng mặt bằng dân cư tại các thôn Phú Ðồng (Phú Mỡ) và Suối Cối 2 (Xuân Quang 1) với diện tích 6,2 ha, đã cấp đất ở cho 70 hộ di, dãn dân tại chỗ. Tại các khu dân cư mới này, huyện đầu tư xây dựng đường nội vùng, lưới điện, giếng nước, hỗ trợ di dời và xây dựng lại nhà ở theo Chương trình 134.

Ðể giải quyết nước sinh hoạt cho dân, bên cạnh hỗ trợ 37,2 triệu đồng cho 124 hộ tự đào giếng nước gia đình, Phòng Dân tộc huyện Ðồng Xuân đã đào 65 giếng nước tại 12 điểm dân cư tập trung, đồng thời sửa chữa hệ thống nước tự chảy ở thôn Phú Ðồng (Phú Mỡ) và xây dựng mới hệ cấp nước tập trung buôn Suối Trưởng (Xuân Quang 1) đưa nước đến 49 hộ trong buôn. Sau khi những công trình cấp nước được đưa vào sử dụng, thêm 700 hộ có đủ nước sinh hoạt, tình trạng thiếu nước sinh hoạt của bà con dân tộc thiểu số ở nhiều thôn, buôn đã được giải quyết.

Tính ra, trong hai năm qua tổng vốn đầu tư của Chương trình 134 trên địa bàn huyện Ðồng Xuân là hơn 5 tỷ đồng, mới đạt 65,15% kế hoạch, song hiệu quả mang lại rất thiết thực. Nếu như Chương trình 135 chủ yếu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho những xã đặc biệt khó khăn, thì Chương trình 134 đầu tư giải quyết những vấn đề bức xúc của từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số về nhà ở, đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt, cho nên bà con rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ.

Già làng Ma Luyện ở buôn Suối Mây (Sơn Phước) nói: "Buôn làng hôm nay vui lắm vì ai cũng có nhà xây kiên cố rồi. Ðó là nhờ Chương trình 134; nhờ sự chăm lo của Ðảng và Nhà nước". Còn Chủ tịch UBND huyện Ðồng Xuân, Nguyễn Hoàng Sinh thừa nhận: Các nội dung của Chương trình 134 như giải quyết đất sản xuất, đất ở, xóa nhà ở tạm bợ, giải quyết nước sinh hoạt đã đáp ứng yêu cầu xóa đói, giảm nghèo của huyện đặt ra lâu nay, nên những năm gần đây, số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giảm nhanh, bình quân 5%/năm. Chúng tôi cho rằng khi chương trình này kết thúc vào năm 2008, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện sẽ cơ bản thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn nữa.