Nhịp nhàng đôi tay đưa những bộ quần áo chạy qua máy vắt sổ, ông Lư Hoàng Minh trò truyện vui vẻ với những người em ruột đang làm công đoạn thiết kế và ráp đồ. Công việc này vốn không liên quan gì đến tay nghề của một nhân viên làm việc trong ngành máy móc nông nghiệp nhưng lại gắn với ông Minh sau khi mãn hạn tù do thụ án kinh tế.
Năm 2012, sau ba năm thụ án, ông Lư Hoàng Minh (sinh năm 1958) trở về nơi cư trú ở đường Âu Dương Lân, phường 3, quận 8. Không bảo đảm sức khỏe để tiếp tục lao động cùng những khó khăn bước đầu khi trở lại với cuộc sống bình thường đã khiến ông Minh thêm mặc cảm. Cán bộ MTTQ phường 3 cùng với Hội Người cao tuổi, Trưởng Khu phố đã chia sẻ, động viên ông Minh cùng gia đình tìm kiếm một công việc phù hợp để có thu nhập trang trải cuộc sống và quan trọng hơn là để ông Minh sớm quên đi lỗi lầm trong quá khứ. Biết gia đình có nghề may, các đoàn thể phường 3 cùng nhà tài trợ đã tặng một máy vắt sổ để ông Minh phụ việc gia đình.
Nhìn những bộ quần áo do chính mình góp công, ông Minh tâm sự: “Gia đình chính là điểm tựa quý giá của tôi. Mỗi ngày tôi tìm thấy niềm vui ở chính căn nhà có ba mẹ và những đứa em cùng chung sống và chính các cơ quan, đoàn thể ở địa phương là cầu nối để tôi lấy lại tinh thần hòa mình với cộng đồng xã hội”.
Một điển hình khác của Mô hình 5+1 là Hội Người cao tuổi phường 14, quận 8 đã đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội trợ vốn 20 triệu đồng cho gia đình em Nguyễn Văn Thông, một người lầm lỡ để làm vốn buôn bán, ổn định cuộc sống. Hội giới thiệu Huỳnh Công Thành, một thanh niên về địa phương sau cai nghiện làm việc tại Công ty Vị Ngon (quận Tân Phú) với thu nhập hơn ba triệu đồng mỗi tháng. Có việc làm ổn định, Thành đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Bà Trần Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 3 chia sẻ: Gia đình chính là nhân tố cốt lõi trong quá trình đưa người lầm lỡ về với cộng đồng và ý nghĩa của Mô hình 5+1 nằm ở chỗ đó. Cơ quan đoàn thể ở địa phương là cầu nối đóng vai trò hỗ trợ, gắn kết những người lầm lỡ trở lại với cộng đồng, xã hội.
Theo Ủy ban MTTQ quận 8, Mô hình 5+1 là mô hình tự quản, tự phòng và là một trong những biện pháp phòng ngừa tội phạm có hiệu quả. Tham gia thực hiện mô hình này có năm đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Ðoàn Thanh niên, Công an) cùng với gia đình có người lầm lỗi. Những đối tượng thuộc diện cần được sự quản lý là người bị kết án tù được tha về địa phương chưa tiến bộ hoặc có khả năng tái phạm; thanh, thiếu niên bỏ học, ăn chơi lêu lổng, thường xuyên bỏ nhà đi chơi đêm, tụ tập bạn bè xấu, cổ vũ, tham gia đua xe trái phép; người đang bị quản chế; người đang cải tạo không giam giữ…
Hiệu quả mang lại từ Mô hình 5+1 đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn 16 phường của quận 8. Qua đó, nhiều người lầm lỡ đã được giới thiệu việc làm, cho vay vốn, tạo điều kiện sửa chữa nhà ở và không ít địa bàn trọng điểm về ma túy cũng đã được chuyển hóa, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương.
Ðại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 8 cho biết, trong bốn năm (2013-2016), thông qua tổ chức hội của 16 phường, Hội Phụ nữ đã trợ vốn cho 48 lượt chị là phụ nữ hoàn lương với số tiền 240 triệu đồng; giới thiệu học nghề và giới thiệu việc làm cho 125 chị, qua đó giúp chị em ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Cán bộ hội viên còn phát hiện và cung cấp cho công an địa phương hơn 320 nguồn tin về hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Trong đó có 170 nguồn tin có giá trị, giúp cơ quan công an giải quyết các vụ việc về an ninh - trật tự, vận động 132 đối tượng phạm pháp ra đầu thú.
Hội Cựu chiến binh 16 phường đã giúp đỡ và giáo dục, cảm hóa 217 người được tha tù và sau cai nghiện về địa phương, hướng dẫn giúp đỡ tạo công ăn việc làm để họ sớm hòa nhập với cộng đồng. Ðặc biệt, lực lượng bảo vệ dân phố có 187 người là hội viên Cựu chiến binh đã tăng cường các hoạt động tuần tra, canh gác, truy quét, trấn áp tội phạm; hỗ trợ công an phá nhiều vụ phạm pháp, trong đó có 23 vụ với 107 đối tượng liên quan đến ma túy…