Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Hà Nội hiện có không ít người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, chấp hành án treo và cải tạo không giam giữ đang sinh sống tại cộng đồng. Để quản lý, nhất là giúp những người chấp hành xong án phạt tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ khó khăn, cần sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan và chính quyền cơ sở.

Được sự giúp đỡ, động viên của địa phương và gia đình, cộng thêm những nỗ lực của bản thân, anh Nguyễn Khắc Phúc (người ngồi giữa) đã phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.
Được sự giúp đỡ, động viên của địa phương và gia đình, cộng thêm những nỗ lực của bản thân, anh Nguyễn Khắc Phúc (người ngồi giữa) đã phấn đấu vươn lên tái hòa nhập cộng đồng.

Theo thống kê của Cơ quan Thi hành án hình sự Công an TP Hà Nội, tính đến tháng 8-2017, toàn thành phố có hơn 46 nghìn người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú; hơn 6.000 đối tượng đang chấp hành án tù treo; hơn 1.000 đối tượng cải tạo không giam giữ. Khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, số lượng cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác chuyên môn thiếu, song thời gian qua công tác quản lý các đối tượng này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tại 30 cơ quan công an quận, huyện, thị xã đã thành lập đủ 30 cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện, do một Phó Trưởng công an huyện là thủ trưởng. Thành phố đã tiếp nhận 3.493 quyết định thi hành án treo, 823 quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Tất cả bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật đã được tòa án nhân dân các cấp ban hành quyết định thi hành án, bảo đảm đúng thẩm quyền, và được chuyển giao đến cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp để thực thi việc chấp hành; đồng thời gửi tới các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở để kiểm sát, giám sát, theo dõi, quản lý việc chấp hành án của những đối tượng nêu trên theo quy định của pháp luật. Thành phố đã thực hiện xét giảm thời hạn chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn cho 290 người; 19 người miễn chấp hành án cải tạo không giam giữ và 31 người được giảm thời hạn. Các trường hợp đề nghị xét giảm đều được Tòa án nhân dân cùng cấp xét duyệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục, giúp người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương tái hòa nhập cộng đồng được chú trọng hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý các đối tượng thi hành án treo, cải tạo không giam giữ và chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn còn không ít khó khăn. Về nguyên nhân khách quan, nhiều ý kiến cho rằng, do văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Thi hành án hình sự thiếu đồng bộ, cho nên chưa động viên được người dân và gia đình cùng quản lý, giáo dục người chấp hành án. Luật quy định người chấp hành án đi khỏi nơi cư trú một ngày trở lên đã phải khai báo tạm vắng là khó khả thi. Công tác phối hợp tại cơ sở có lúc, có nơi còn xao nhãng. Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Thọ, Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến các đối tượng này, không kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, địa điểm sinh sống của đối tượng. Nhiều trường hợp chấp hành xong hình phạt, nhưng UBND cấp xã chậm bàn giao hồ sơ để cơ quan thi hành án hình sự làm thủ tục cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt so với quy định. Từ năm 2016 đến tháng 8-2017, huyện có 48 đối tượng chấp hành xong bản án, nhưng mới có 28 người nhận được giấy chứng nhận.

Trung tá Đinh Tuấn Thành, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự Công an quận Hai Bà Trưng cho rằng, trách nhiệm là cùng phối hợp quản lý, nhưng một số chính quyền và đoàn thể cơ sở chưa thật sự quan tâm; có nơi gần như “khoán trắng” cho lực lượng công an phường. Công tác triển khai, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền pháp luật có lúc chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Việc cập nhật thông tin dữ liệu của Sở Tư pháp với các cơ quan tố tụng phục vụ việc tra cứu dữ liệu xóa án tích cho người chấp hành xong bản án chưa kịp thời. Số đối tượng chấp hành xong án phạt tù được sự giúp đỡ của xã hội còn ít. Điều này cho thấy vai trò của các cấp, ngành trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng hoàn lương hoặc đang thi hành án treo còn hạn chế. Do phải mưu sinh, nhiều đối tượng chấp hành án thường xuyên thay đổi nơi cư trú, dẫn đến khó quản lý, rất dễ tái phạm, trong khi đó, chế tài xử lý hành chính nhẹ, khó thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người chấp hành án tại địa phương, sớm khắc phục những bất cập, Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết, hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự và các văn bản liên quan. Trong đó, có chế độ đãi ngộ cán bộ trực tiếp làm công tác thi hành án hình sự tại địa phương, nhằm tăng trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với người chấp hành xong án phạt tù bảo đảm công tác tái hòa nhập cộng đồng như tạo điều kiện dạy nghề, tạo việc làm, cho vay vốn. Ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, quan trọng hơn là sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, chính quyền, các đoàn thể tới các cơ quan bảo vệ pháp luật để giám sát, quản lý, giúp đỡ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của những người lầm lỡ, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.