Giúp người bán vé số dạo vượt đại dịch

Người bán vé số dạo đã làm nên sự khác biệt giữa các đô thị ở miền nam với các vùng miền còn lại. Từ Bình Thuận đến Cà Mau, ở bất cứ nơi đâu cũng bắt gặp người bán vé số dạo. Họ là đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ… và cả những người khuyết tật. 

Người bán vé số dạo ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền cơ sở.
Người bán vé số dạo ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) nhận tiền hỗ trợ từ chính quyền cơ sở.

Bán vé số dạo chưa là một nghề, nhưng theo cộng dồn từ ngành chức năng các địa phương, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có đến gần 100 nghìn người làm công việc này. Thu nhập của họ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng mỗi ngày. Ở một góc nhìn khác, họ đã góp công tạo ra nguồn doanh thu rất lớn. Chỉ tính nguồn tiền hằng năm các doanh nghiệp xổ số kiến thiết nộp ngân sách đã từ hàng trăm tỷ đến hơn nghìn tỷ đồng mỗi tỉnh.

Trong con hẻm nhỏ nối với tuyến đường Nguyễn Trãi (phường 9, thành phố Cà Mau), cụ Trần Thị Sáu (79 tuổi) thui thủi một mình trong căn phòng trọ. Cụ chia sẻ: “Ngày nào cũng có cán bộ tình nguyện ở khóm mang cơm từ thiện đến tận nhà. Tôi chỉ buồn vì không được đi kiếm tiền, không được đi bán vé số, đem may mắn đến mọi người”. Qua nhiều xóm lao động trên địa bàn thành phố Cà Mau, không ít trường hợp có tâm trạng tương tự. Cụ bà Nguyễn Thị Liên, 70 tuổi, ngụ khóm 1, phường 8, nói: “Bán vé số dạo hơn chục năm trời, tự dưng tạm ngưng, phải nhờ chính quyền trợ cấp tiền, cảm thấy buồn lắm”. 

Sau gần một tháng giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các nẻo đường ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ không còn tiếng rao mời gọi mua vé số. Dòng người chuyên đi “bán giấc mơ tỷ phú” cũng mất đi nguồn mưu sinh đắp đổi qua ngày. Ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền các tỉnh đã rà soát, triển khai ngay việc hỗ trợ cho dòng người thất nghiệp, tạm mất việc… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ. 

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh, cho biết: Đến ngày 3/8, chính quyền tỉnh Cà Mau đã chi hỗ trợ cho hơn 36.000 đối tượng thụ hưởng theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, với tổng số tiền hơn 15,8 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thành việc chi hỗ trợ đợt một cho toàn bộ 3.296 người bán vé số dạo, với số tiền hơn 2,47 tỷ đồng. Mỗi trường hợp bán vé số dạo được hỗ trợ 750.000 đồng cho 15 ngày thất nghiệp. Hiện, Cà Mau triển khai gói hỗ trợ đợt hai đối với những lao động thất nghiệp, trong đó có những người bán vé số dạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, Sóc Trăng triển khai hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tinh thần khẩn trương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn hỗ trợ. Cụ thể, người lao động trong các ngành, nghề tự do định mức hỗ trợ là 60.000 đồng/người/ngày, trong thời gian 15 ngày. Mỗi đối tượng được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. 

Chủ tịch Công ty Xổ số kiến thiết Sóc Trăng Lê Văn Khanh thông tin, qua rà soát trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng trên 6.300 người bán vé số dạo. Những người này được hỗ trợ 900.000 đồng/người, tổng kinh phí hơn 5,67 tỷ đồng từ nguồn tiền của doanh nghiệp. “Sóc Trăng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến hết ngày 15/8 cho nên công ty đã trình UBND tỉnh xin tiếp tục hỗ trợ người bán vé số dạo. Dự kiến trao đợt hai thêm 780.000 đồng/người, tổng kinh phí thêm khoảng hơn 4,9 tỷ đồng”.

Tại TP Cần Thơ, trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chính quyền thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.945 người thuộc đối tượng chính sách và người có công, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng. Cần Thơ cũng giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.477 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và 95.760 lao động với tổng số tiền giảm hơn 31,4 tỷ đồng. Đối với lao động tự do, mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày nhân với số ngày thực tế bị ngừng hoặc mất việc làm, thời gian hỗ trợ từ ngày 16/6/2021. 

Riêng với người bán vé số dạo, Công ty Xổ số kiến thiết TP Cần Thơ đã rà soát, lập danh sách cho khoảng 5.000 người, tổng kinh phí hơn năm tỷ đồng. Đến nay, hơn 2.408 người bán vé số dạo ở các quận Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy và huyện Thới Lai đã nhận tiền hỗ trợ, gần 2,9 tỷ đồng. Ở các quận, huyện còn lại đang rà soát đối tượng. Anh Trần Văn Lắm, người bán vé số dạo ở khu vực 2, phường An Thới, quận Bình Thủy mong muốn: “Tôi và những người bán vé số khác đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống trong thời gian giãn cách. Tôi mong sớm nhận được số tiền hỗ trợ để cuộc sống đỡ vất vả hơn”. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết: Thành phố xác định người lao động tự do gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch nên ưu tiên hỗ trợ trước. 

Tại thành phố đảo Phú Quốc (Kiên Giang), những ngày qua, chính quyền cơ sở đi đến từng nhà phát tiền hỗ trợ cho người bán vé số dạo. Bà Ngô Thị Thuận, ngụ xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc chia sẻ: Cuộc sống của hai vợ chồng già chỉ dựa vào nguồn tiền ít ỏi từ bán vé số dạo. Nhưng gần tháng nay, nguồn thu duy nhất đó không còn, gia đình rất chật vật. Tuy nhiên, bà Thuận và rất nhiều lao động khác đã được sự đùm bọc của chòm xóm, của các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương cho nên việc ăn uống hằng ngày được bảo đảm. Hôm nhận được số tiền 1.500.000 đồng từ cán bộ xã, bà Thuận xúc động nói: “Tui không biết nói gì hơn là cảm ơn cô, cảm ơn Nhà nước đã kịp thời hỗ trợ, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn”. 

Phú Quốc là thành phố biển đảo, ngành nghề du lịch phát triển rất mạnh, mức sống của người dân khá cao, nên người hành nghề bán vé số dạo không nhiều. Đợt này, Phú Quốc chi hỗ trợ cho 380 đối tượng, với mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. 

GIÁM đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn, thông tin, đến nay tất cả 15 địa phương trong tỉnh đã chuyển tiền hỗ trợ đến người thụ hưởng. Hơn 7.200 người bán vé số dạo đã được nhận tiền, với kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay, tiền hỗ trợ cho các đối tượng là lao động tự do cũng đã về đến huyện, các xã đang hoàn thành thủ tục cho hơn 33.000 đối tượng. Công tác hỗ trợ tiền cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, được thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên.

Các địa phương cần bỏ yêu cầu lao động tự do phải có hộ khẩu hoặc giấy xác nhận nơi cư trú, tạm trú. Người thụ hưởng chỉ cần có xác nhận của tổ trưởng dân phố, ấp, khu vực sinh sống là được. Ngành chức năng có thể sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để nắm số đối tượng này sẽ đầy đủ và chính xác, đồng thời ứng dụng công nghệ trong thực hiện hỗ trợ sẽ bảo đảm trong công tác phòng, chống dịch.

TS ĐẶNG KIỀU NHÂN

(Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long)